Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong tham luận gây chú ý tại Đại hội XII nhìn nhận:
“Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển". Ông cho rằng, nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị gần như chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Ở diễn đàn toàn thể của Đại hội XII, hôm qua 22.1, ông nói rõ quan điểm của mình: "Đảng là lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động và nghiêm khắc nhìn lại mình, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết mà Đại hội đã xác định".
“Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới…” là nội dung ghi trong tiêu đề của Báo cáo chính trị nhiều kỳ Đại hội Đảng gần đây. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, được thông qua tại Đại hội XI, cũng nêu rõ đổi mới chính trị cần đi đôi với đổi mới kinh tế. Ý chí ấy từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng nên được tổ chức thực hiện để có thể là thành tựu tầm quan trọng bậc nhất, mà nói theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chính là thước đo cao nhất cho thành công của Đổi mới.
Theo cách tiếp cận về quản trị hiện đại, bất kỳ chiến lược, kế hoạch nào được hoạch định cũng phải thiết kế công cụ đo lường kết quả thực thi của nó. Quản trị một quốc gia có mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng cũng cần quan tâm tới việc thiết lập các thước đo thực hiện các nhiệm vụ do mình đề ra. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội gần như đã có các công cụ đo lường thực chứng. Cũng cần các công cụ như vậy để đo lường việc thực hiện nhiệm vụ từng bước đổi mới hệ thống chính trị.
Bên cạnh việc xác lập các chính sách, kế hoạch triển khai và thực thi, Đảng cần dành nhiều tâm sức, huy động sự tham gia của nhiều người tâm huyết, hiểu biết, xây dựng cách thức đo lường, thậm chí còn phải đo lường định lượng, các kết quả cụ thể của việc thực hiện nhiệm vụ này. VN trong những năm vừa qua, các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh, chỉ số quản trị công, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với hành chính công... dần được tiếp nhận và có đóng góp tích cực cho việc đổi mới thể chế kinh tế. Đó có thể là một tham chiếu đáng lưu ý.
Những công việc phức tạp từ cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết sách và giám sát hoạt động của nhà nước, cho đến các nhiệm vụ cụ thể mà Hiến pháp và luật pháp đã xác định, như phản biện xã hội, minh bạch ngân sách, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do kinh doanh, quyền về tài sản... rất cần được xác lập thước đo kết quả cụ thể.
Nếu nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị được xác lập là quan trọng và cấp bách trong tổng thể các nhiệm vụ đổi mới mà Đảng đưa ra thì còn cần phải xác lập trọng số của nó trong đo lường. Có thước đo ấy, Đảng dễ dàng thống nhất cả về quan điểm và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị và cả người dân.
Bình luận (0)