Thanh Niên thông tin, ngày 23.1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Kon Tum (Kon Tum; gọi tắt BQLDA) cho biết đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN xin được chấp thuận, cấp phép xây dựng cho 5 cổng chào, cổng điện trên địa bàn. Và trong thời gian chờ đợi, địa phương vẫn giữ nguyên các cổng chào, cổng điện này. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh trước đó, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III) đã có văn bản đề nghị UBND TP.Kon Tum chỉ đạo tháo dỡ 5 cổng chào, cổng điện xây dựng trái phép trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP.Kon Tum. Sau ngày 25.1, nếu TP.Kon Tum vẫn không thực hiện việc tháo dỡ, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 sẽ hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu để lập phương án cưỡng chế tháo dỡ các cổng chào trên.
Một cổng chào mới xây dựng ở TP.Kon Tum đang bị yêu cầu tháo dỡ vì vi phạm |
ĐỨC NHẬT |
Không thể “sự đã rồi”
Động thái nêu trên của BQLDA thu hút nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc (BĐ). Chẳng hạn, BĐ Yu Feng thì cho rằng: “Tôi nhận thấy cổng chào này đẹp. Có nhiều lý do để giữ lại, như: Thứ nhất, tiền không phải tiền chùa. Thứ hai, là yếu tố thẩm mỹ. Thứ ba, chào đón khách đến khu vực là nét văn hóa. Thứ tư, nằm trên địa bàn Kon Tum. Thứ năm, không cản trở an toàn giao thông. Nếu vì xây dựng cổng chào trái quy định thì bổ sung giấy phép…”.
Nếu thiết kế cổng chào tương đương và tương tự các cổng chào trên đoạn các tỉnh khác thì chủ đầu tư có cái lý của họ. Còn nếu thiết kế sai thì phải dẹp hoàn toàn.
Hồng Tuyết
Muốn người dân “thượng tôn pháp luật” thì phải bắt đầu từ cơ quan công quyền. Không nên và không thể lấp liếm để biện minh cho sự việc có tính chất sai phạm.
Nguyen Van Nam
Không thể chỉ nghĩ đẹp cho con đường mà không nghĩ đến an toàn cho người tham gia giao thông. Đáng chú ý, Cục Quản lý đường bộ III cũng 5 lần ra quyết định xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu vì xây dựng cổng chào trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện. Vì sao vậy?
Bá Thủy
BĐ Nguyễn Việt Thắng phân tích: “Đành rằng TP.Kon Tum hơi vội vàng khi chưa được cấp phép mà đã xây dựng. Nhưng nên kiểm điểm rút kinh nghiệm sau. Hàng tỉ đồng đã được bỏ ra để xây dựng, nếu tháo dỡ thì quả thật lãng phí”.
Tuy nhiên, không phải BĐ nào cũng đồng tình với luồng ý kiến trên. Cụ thể, BĐ A.L.T.H.N nêu: “Chẳng có cá nhân, cơ quan nào được phép đứng trên luật pháp. Là một cơ quan quản lý nhà nước, BQLDA càng phải chấp hành nghiêm túc để làm gương. Và thiệt hại (nếu có) do xây dựng 5 cổng chào vi phạm luật này do ai quyết định thì bỏ tiền túi ra mà đền bù đừng bắt ngân sách phải chịu”.
Đồng tình với ý kiến của BĐ A.L.T.H.N, BĐ Yu Feng cho rằng nếu chấp nhận việc xây không phép mà vẫn được giữ lại, sẽ tạo tiền lệ xấu trong vi phạm pháp luật về xây dựng. Đừng để kiểu làm việc “sự đã rồi” như thế này tồn tại.
Có hay không trách nhiệm các bên liên quan ?
BĐ Tiến Lương phân tích: “Trước những vụ việc xảy ra ở một số địa phương về việc “phạt cho phép tồn tại”, hiện dư luận rất quan tâm đến những công trình xây dựng sai phép hoặc chưa được phép. Đối với vụ việc xây dựng 5 cổng chào, khi được cơ quan thẩm quyền xác định “xây dựng trái phép”, cần phải tuân thủ quy định pháp luật là tháo dỡ, bởi lẽ, nếu tạo ra tiền lệ, có thể xảy ra sự so sánh. Điều đáng nói ở đây là, trước khi xây dựng các cổng chào, cổng điện, BQLDA có lập hồ sơ xin phép cơ quan quản lý chưa và có đang trong thời gian chờ giải quyết không? Vì sao BQLDA lại xây dựng công trình trong khi chưa có sự chấp thuận của Tổng cục Đường bộ VN? Dự án tiền tỉ dùng ngân sách này đã được thẩm tra, giám sát ra sao mà để xảy ra sự việc “cầm đèn chạy trước ô tô” như vậy? Có hay không trách nhiệm của các bên liên quan? Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là liệu rằng những cổng chào xây dựng sai phép ấy có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông hay không?...”.
Bình luận (0)