Cẩn trọng để không mất tiền oan

26/11/2021 05:49 GMT+7

Tình trạng lừa đảo qua tin nhắn điện thoại, gửi đường link qua email đã được phát giác, cảnh báo rất nhiều lần, nhưng vẫn liên tiếp có người mắc bẫy, mất số tiền lớn.

Trong vụ việc mới đây, trao đổi với Thanh Niên, chị N. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trong ngày 23.11, chị bị kẻ gian lừa đảo lấy mất hơn 625 triệu đồng trong tài khoản. Theo đó, chị N. thực hiện việc đăng ký tài khoản bảo hiểm xã hội trên ứng dụng trực tuyến VssID và chờ tin nhắn xác nhận để đăng nhập. Ngay sau đó, chị nhận được tin nhắn xác nhận thông tin để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp kèm 1 đường link. Chị N. cho biết lúc đầu có nghi ngờ và copy đường link vào máy tính để đăng nhập thử thì thấy dẫn đến website giống trang web của bảo hiểm xã hội và yêu cầu đăng nhập.

Sau đó, chị lại nhận thêm tin nhắn báo mã OTP từ đầu số ngân hàng nơi chị mở tài khoản và yêu cầu nhập thông tin. Chị N. làm theo vì nghĩ rằng mình chỉ đăng nhập thử và không thực hiện gì ở tài khoản ngân hàng nên sẽ không bị vấn đề gì. Thế nhưng, sau khi thử nhập mã OTP rồi nhập lại thì tài khoản của chị N. bị “bốc hơi” 625,9 triệu đồng. Vụ việc đã được chị N. trình báo với cơ quan chức năng.

Tin nhắn lừa đảo chị N. nhận được và làm theo, sau đó mất hơn 600 triệu đồng

chụp màn hình

Cảnh giác nhưng vẫn sập bẫy

Thực tế, câu chuyện của chị N. được nhiều bạn đọc (BĐ) xác nhận đã từng gặp. Nhiều BĐ cho biết họ đã nhận email hoặc tin nhắn kèm đường link “mời” nhấp vào để thực hiện các yêu cầu của kẻ xấu. Nhiều người nhận thấy không liên quan đến mình hoặc cảnh giác nên bỏ qua. Tuy nhiên, vẫn có người nhấp vào link làm theo “hướng dẫn” và mắc bẫy.

Chính chị N. cho biết vì có quá nhiều sự trùng hợp nên chị mới bị mất cảnh giác: “Bản thân tôi bình thường cũng không bao giờ để ý những tin nhắn rác đó, nhưng vì đang chờ thông tin từ bảo hiểm xã hội nên mới bị sụp bẫy. Có thể những kẻ lừa đảo đã lập sẵn lệnh ảo để lấy cắp OTP và ngay lập tức chuyển tiền sang tài khoản ở ngân hàng khác”.

Ngoài tin nhắn giả mạo các ngân hàng, gần đây kẻ xấu còn lợi dụng tình hình khó khăn do dịch bệnh, lừa người dân đang chờ nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Người dùng do đang có tâm lý mong chờ khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp, chỉ cần một phút mất cảnh giác là lọt bẫy.

BĐ chuyengia cảnh báo: “Thời buổi công nghệ càng hiện đại càng dễ bị lừa. Người dân nên tự trang bị cho mình chút kiến thức về mạng internet, cách giao dịch trên mạng. Mình không gà mờ thì không dễ bị lừa, mà mình không tham thì cũng không bị mất tiền”.

BĐ Gai Nguyen nhấn mạnh: “Mã OTP chỉ xài một lần và đừng bao giờ chuyển cho người khác, nếu không muốn tài khoản của mình sạch bong!”.

Cần giải pháp hữu hiệu

Nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng liên tục cảnh báo về tình trạng gửi tin nhắn, email mạo danh lừa đảo này. Theo đó, khi khách hàng nhận được tin nhắn lạ mang tên ngân hàng, được khuyến cáo không nên bấm vào đường link mà nên liên hệ trực tiếp đến tổng đài của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin.

BĐ 39117 nhìn nhận: “Việc mất tiền dạng này chỉ rơi vào những người thiếu thông tin, kém hiểu biết”. Trong khi đó, BĐ Lan Nguyen đặt vấn đề: “Tôi có vài thắc mắc ở chỗ bất cứ giao dịch chuyển tiền ngân hàng nào cũng gửi nội dung tin nhắn “Quý khách đang thực hiện chuyển tiền liên ngân hàng 24/7: Người nhận: A, số tiền: 200 ngàn, mã OTP: 123456, hiệu lực trong vòng 1 phút”. Bạn có đọc tin nhắn này khi bạn cung cấp OTP cho web? Và vấn đề thứ 2: Tài khoản cá nhân có quy định hạn mức chuyển tiền trong ngày, trong mỗi lần chuyển. Bạn không đăng ký hạn mức thì đương nhiên ngân hàng chỉ cho phép chuyển 100 triệu/ngày? Khi ngân hàng trừ tiền bạn lần đầu 499 triệu sao bạn còn cung cấp mã OTP cho lần 2: 126 triệu?”.

Dự báo là sẽ còn người khác mắc bẫy lừa này nữa. Cứ nhìn từ bọn lừa đảo thì hiểu vì chúng còn lừa là còn người dính, và còn người dễ tin thì nó còn lừa. Một vòng luẩn quẩn, có người bị mắc lừa rồi la lên vậy mà vẫn có người khác mắc lừa tiếp. Có giải pháp nào không, nhất là cho những người không rành mạng internet.

2488

Tôi đề nghị các cơ quan quản lý viễn thông, internet nên tăng cường giám sát và kiểm tra lại các hoạt động và đầu số nhắn tin lừa đảo kiểu này. Hiện nay các số điện thoại cũng như các link liên kết giả danh các mạng viễn thông, các cơ quan nhà nước, ngân hàng... nhiều vô kể. Cứ gõ thử Google là thấy ngay gọi vào các số đấy là mất ngay 8.000 - 10.000 đồng... Không hiểu nổi tại sao chúng lại rộ lên vậy.

Nguyen hungnghiep

Nhiều BĐ cho rằng cơ quan chức năng cần có thông báo, hướng dẫn, cảnh báo thường xuyên về tình trạng này để người dân phòng tránh. BĐ hoangcao03586 góp ý: “Người dân nên dùng hạn mức giao dịch số tiền vừa đủ để lỡ chẳng may thì không bị thiệt hại quá nhiều. Tuyệt đối không tin bất cứ đường link nào, đừng bộp chộp mà mất tiền oan. Cơ quan chức năng cần thông báo liên tục tình trạng này để đi vào tâm trí, để những người sơ ý giật mình nhớ ra mỗi khi gặp mà cảnh giác”.

BĐ 356848 đồng quan điểm: “Cơ quan chức năng, ngành công an cần có hướng dẫn người dân cụ thể cách nhận ra đường link lừa đảo, cách báo cáo tin lừa đảo hoặc chặn email lừa đảo. Quan trọng là cách nào để những người không rành những thứ trên mạng cảnh giác không tiếp tục bị mắc bẫy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.