Người có nhu cầu chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, cài đặt theo hướng dẫn sẽ được làm thủ tục và nhận tiền vay. Thế nhưng, chuyện đâu đơn giản như vậy, nhất là liên quan đến tiền bạc.
Vay dễ thì lãi suất "cắt cổ"; khi không có tiền trả lãi, gốc, người vay lập tức bị gọi điện, nhắn tin “khủng bố” tinh thần. Và rồi trong lúc người vay đang hoảng sợ thì chính đường dây này tiếp tục giới thiệu nhiều ứng dụng khác để vay nợ mới trả nợ cũ. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, cuối cùng người vay mất khả năng chi trả và lúc này không chỉ người vay bị khủng bố tinh thần mà cả người thân, đồng nghiệp cũng bị quấy phá với mục đích duy nhất là đòi nợ.
Kinh khủng hơn, khi người vay cài đặt app là chấp nhận cho phía phát triển ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại, quản lý cuộc gọi, hình ảnh, thông tin cá nhân. Từ đây, hình ảnh người vay dễ dàng bị đem ra bôi xấu trên mạng xã hội... Nhiều nạn nhân vay tiền qua app phản ánh đến Báo Thanh Niên, rằng họ thực sự bị trầm cảm, hoảng loạn khi dính bẫy của các ứng dụng “tín dụng đen”.
Trách nhiệm không chỉ riêng của ngành công an vào cuộc triệt phá những đường dây cho vay qua app, mà các bộ, ngành khác cũng cần phải quyết liệt trong quản lý, xử phạt các ứng dụng biến tướng cho vay tiền với lãi suất cao đang nhan nhản ở các kho ứng dụng Google Play, App Store; tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ở hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp...
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là người vay phải ý thức được rằng, một khi cài đặt và sử dụng dịch vụ từ những ứng dụng cho vay này cũng chính là đã đặt một chân vào bẫy “tín dụng đen”, giống như con mồi sa vào lưới nhện, càng vùng vẫy càng bế tắc.
Bình luận (0)