Tái diễn nạn 'khủng bố' đòi nợ

06/01/2020 04:49 GMT+7

Sau thời gian tạm lắng, vấn nạn đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” diễn biến phức tạp mất an ninh trật tự tái diễn ở TP.HCM với các chiêu trò tạt sơn, ném chất bẩn, nhắn tin “khủng bố”...

Đe dọa bắt người vô cớ

Trong lúc nhiều người đang chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa ăn tết, thì anh T.V.B (ngụ TP.HCM) cùng bố mẹ phải liên tục chuyển nhà nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh bị gây rối, đe dọa. Hình ảnh của anh B. và gia đình bị chủ nợ của em trai dán kín tường khu phố nơi anh ở, bị bêu riếu trên mạng là “gia đình lừa đảo”, dù anh chẳng vay nợ của ai.

Mỗi lần nhà bị nhóm đòi nợ đến khủng bố, khóa cửa, tôi phải gọi điện nhờ công an đến dùng búa kìm và cưa để tháo mở

Bà N.T.N, ngụ P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM

Anh B. vừa gửi đơn “cầu cứu” đến Báo Thanh Niên và Công an TP.HCM nhờ can thiệp. Theo anh B., em trai anh là T.V.H (31 tuổi, giám đốc một công ty ở Q.Bình Thạnh) làm ăn thua lỗ đã vay tiền của nhiều nhóm. Gia đình dù đã trả thay 20 tỉ đồng giúp anh H. nhưng vẫn chưa hết nợ. Trong đó, nhóm 4 người (gồm các ông V.M.T, N.V.T, V.A.S và bà P.T.H) là manh động nhất. Nhóm ông T. cho anh H. vay nhiều lần tổng số tiền 1 tỉ đồng. Từ tháng 3 - 11.2019, anh H. đã chuyển trả khoảng 2 tỉ đồng tiền lãi suất qua tài khoản do bà P.T.H đứng tên và gia đình anh H. trả thay 1 tỉ đồng tiền gốc, đồng thời yêu cầu nhóm cho vay này cam kết không cho anh H. vay nữa. Tuy nhiên, giữa tháng 11.2019, riêng ông T. lại tiếp tục cho anh H. vay 500 triệu đồng với điều kiện 3 tháng không trả sẽ cấn bãi giữ xe ở Q.Bình Thạnh.

Cửa kính căn nhà bà N. (P.Bến Nghé, Q.1) bị đá ném vỡ

Ảnh: Văn Rin

Đầu tháng 12.2019, do vay nhiều người, mất khả năng chi trả nên anh H. cùng vợ dắt 2 con nhỏ bỏ trốn. Vì không đòi được 500 triệu đã cho anh H. vay, ông T. bắt anh B. trả nợ thay. Điện thoại anh B. còn lưu lại các tin nhắn bị ông T. đe dọa: “500 triệu của anh là gia đình em (tức anh B.) phải trả, đừng để anh bắt được bất cứ ai trong gia đình của em, 500 triệu không đáng đâu em nhé”; “Anh sẽ tìm được H., con riêng của em và gia đình em trong một nốt nhạc”... Quá sợ hãi, vợ chồng anh B. cũng ẵm con nhỏ 9 tháng tuổi đi lánh nạn, tránh bị các chủ nợ của em trai truy đòi.
Trong hai ngày 31.12.2019 - 1.1.2020, PV Thanh Niên liên lạc với ông T. Ông này thừa nhận từ tháng 3 - 11.2019, nhóm của ông cho anh H. vay 1 tỉ đồng. Ông T. cũng thừa nhận chính ông là người đứng ra cho anh H. vay 500 triệu đồng sau này; đồng thời số điện thoại di động nhắn vào máy anh B. là số điện thoại của mình.

Tạt sơn, ném mắm tôm

Ngày 20.12.2019, bà N.T.T.H (40 tuổi, ngụ hẻm 378 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh) có đơn gửi Báo Thanh Niên, phản ánh việc bị nhóm người lạ tạt sơn, ném mắm tôm vào nhà. Bà H. cho hay trước đó, tháng 6.2017, bà có vay 450 triệu đồng của ông C.T.K.Q (37 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) với lãi suất 20%/tháng. Vì chậm trả nên lãi mẹ đẻ lãi con và nặng nhất là tiền phạt chậm trả lãi suất, mặc dù bà H. đã trả hết số tiền gốc và 235 triệu đồng tiền lãi suất, nhưng ông Q. vẫn bắt bà ký giấy nợ gần... 2,3 tỉ đồng. Tháng 3.2019, Công an Q.Bình Thạnh vào cuộc, mời bà H. cùng ông C.T.K.Q lên trụ sở lấy lời khai, xử lý. Sau đó, vụ việc êm xuôi.
Tuy nhiên, rạng sáng 20.12 nhà bà bị người lạ tạt sơn, ném mắm tôm. Bà H. thừa nhận do làm ăn thua lỗ nên vay mượn của nhiều nhóm nhưng không biết nhóm cho vay nào “khủng bố” tạt sơn, ném mắm tôm vào nhà.
Ngày 1.1.2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết quan điểm của TP là phải thực hiện quyết liệt và đúng luật bằng 2 giải pháp. Thứ nhất là dùng pháp luật, công an củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội hình sự thì xử lý hình sự, còn không thì xử lý hành chính. Mặt khác, các cơ quan, đoàn thể, mặt trận cấp cơ sở tạo điều kiện giúp đỡ người dân gặp khó khăn về tài chính.
Theo ông Châu, hồi tháng 8.2019, UBND TP.HCM lần thứ 2 kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ. Ông Châu cho rằng nếu cấm được dịch vụ đòi nợ thì sẽ thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín dụng.  
Sỹ Đông
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an P.25 (Q.Bình Thạnh) cho biết đã nắm được vụ căn nhà ở hẻm 378 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh bị tạt sơn, mắm tôm. Công an P.25 đã cử người xuống hiện trường ghi nhận vụ việc, lập hồ sơ và đã chuyển lên Công an Q.Bình Thạnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Tái diễn nạn “khủng bố” đòi nợ

Tin nhắn đe dọa đòi nợ anh B. còn lưu lại

Con dâu vay nợ, mẹ chồng bị "khủng bố"

Bà N.T.N (68 tuổi, ngụ hẻm 14 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) cũng cầu cứu Báo Thanh Niên về việc căn nhà bà ở liên tục bị người lạ đến tạt sơn, khóa trái cửa, ném vỡ các tấm kính. Sự việc diễn ra trên cả chục lần khiến bà cùng 3 đứa cháu rơi vào cảnh hoảng loạn. Theo bà N., con dâu của bà là N.N.V (40 tuổi) vay mượn nợ bên ngoài. Chị V. bỏ nhà đi biệt tích hơn 3 tháng nay, và trong khoảng thời gian này nhà bà liên tiếp bị người lạ đến tạt sơn, đập phá.
Bà N. thuật lại: “Lúc mấy thanh niên đến đòi nợ, họ nói con dâu vay cho tôi chữa ung thư, mua xe máy cho các con đi học. Con dâu nợ tiền thì mẹ chồng phải trả thay”. Trong khi đó, bà N. cho hay bà không hề bị ung thư, xe cộ của các cháu cũng không thấy mua. Các nhóm côn đồ đe dọa, nói V. nợ rất nhiều người; ít thì 6 triệu, 12 triệu, cao thì 28 triệu đồng. Cứ mỗi lần đến đòi nợ, chúng lại đòi số tiền cao hơn lúc trước, nói cộng dồn tiền lãi vào tiền gốc.
Theo bà N., mới đây nhất, lúc 1 giờ sáng ngày 22.12, nhiều người lạ lại xông vào nhà bà lùng sục tìm chị V. nhưng không có. Nhóm đòi nợ đe nẹt, buộc phải trả nợ thay để được yên ổn, thì bà N. van xin: “Con trai tôi (chồng chị V.) mất đã 3 năm nay, con dâu vay nợ thì bỏ đi biệt xứ, để lại tôi 3 đứa cháu, tiền đâu mà trả thay”. Bất chấp lời van xin, trước khi rời đi, nhóm đòi nợ lại tạt sơn, đập vỡ kính khiến bà N. cùng 3 đứa cháu chỉ biết ôm nhau khóc, gọi điện cầu cứu công an.
“Mỗi lần nhà bị nhóm đòi nợ đến khủng bố, khóa cửa, tôi phải gọi điện nhờ công an đến dùng búa kìm và cưa để tháo mở. Công an P.Bến Nghé đã xuống lập biên bản, chụp hình hiện trường, trích xuất camera nhà dân bên cạnh để truy tìm thủ phạm. Công an họ rất nhiệt tình, cử người đến canh gác nhưng chưa bắt được quả tang”, bà N. lo lắng và cầu cứu: “Tôi chỉ mong muốn các đối tượng xấu không đến nhà quấy rối nữa và công an có quyết sách hoặc biện pháp gì trấn áp các đối tượng côn đồ này để bảo vệ người dân và gìn giữ trật tự khu phố”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo của Công an P.Bến Nghé (Q.1) cho hay công an phường đã tiếp nhận hồ sơ vụ tạt sơn, ném vỡ kính nhà bà N.T.N để xác minh. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an đã xuống khám nghiệm hiện trường để phục vụ công tác điều tra, truy xét các nghi phạm về hành vi gây rối. Công an P.Bến Nghé cũng đã đề nghị an ninh khu phố thường xuyên túc trực 24/24 giờ nhằm bảo vệ gia đình bà N. Hiện công an đang truy tìm chị N.N.V (con dâu bà N.) để làm rõ các tình tiết liên quan. Khi hoàn tất chứng cứ sẽ chuyển hồ sơ vụ gây rối lên Cơ quan CSĐT Công an Q.1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.