Xe ôm vừa đến cổng tòa soạn, nạn nhân nằm vật trên ghế đá. Lúc ấy, trên người nạn nhân có nhiều vết thương, tinh thần hoảng loạn. Phóng viên được phân công tiếp nhận vụ việc đã bỏ tiền ra đưa nạn nhân đến bệnh viện chữa trị, sau đó dẫn đến cơ quan công an trình báo...
Fanpage Báo Thanh Niên cũng vừa nhận được tin nhắn của một bạn đọc đề nghị báo phối hợp cơ quan chức năng giúp giải cứu em trai của mình bị lừa bán sang Campuchia. Bạn đọc này kể, em trai (sinh năm 1998, ở Gia Lai) trong khi làm việc ở Bà Rịa-Vũng Tàu có quen một người bạn làm chung. Người này rủ nạn nhân sang Campuchia vì có một người quen giới thiệu việc làm thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng... Nhưng khi đến nơi, nạn nhân bị bán. Nạn nhân có liên lạc, nhắn tin bằng Zalo về cho gia đình biết chuyện và gửi định vị nơi đang bị những kẻ xấu giam giữ. Gia đình đã báo công an, cung cấp thông tin nhưng 2 tháng qua vẫn chưa biết thêm tin tức gì của nạn nhân...
Những câu chuyện như thế, thông qua nhiều kênh, Báo Thanh Niên nhận được rất nhiều phản ánh, kêu cứu... trong thời gian qua. Ðiểm chung của những trường hợp này là các nạn nhân tin vào những lời dẫn dụ "việc nhẹ lương cao" để rồi trở thành nạn nhân, bị ép làm những việc phi pháp hoặc bị những kẻ xấu bán sang tay như một món hàng...
Công an nhiều tỉnh thành trên cả nước đã không ngừng tuyên truyền, khuyến cáo lối tuyển dụng bất thường "việc nhẹ lương cao" để người dân tránh bị sập "bẫy". Nhưng vẫn không ít nạn nhân tiếp tục sa "bẫy".
Cẩn trọng với những quảng cáo "mật ngọt chết ruồi"; phân tích, tìm hiểu kỹ người, đơn vị tuyển dụng; luôn đặt ra trong đầu câu hỏi: "Họ tuyển dụng mình làm việc gì, mà lương lại cao hơn mức trung bình của xã hội như thế?"... sẽ không bao giờ thừa. Ðể không bị thành nạn nhân, trước tiên, phải biết tự cứu lấy mình.
Bình luận (0)