Chuyện sốt đất đã quá quen với người dân Khánh Hòa, nhất là ở H.Cam Lâm, nơi dự kiến có nhiều đại dự án lớn về đây. Thế nhưng, điều khó hiểu là ngay thời điểm kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng như hiện nay lại xảy ra sốt đất, giao dịch một cách rầm rộ.
"Cò" túm lại bàn bạc, chốt giá đất
Theo quan sát của PV Thanh Niên, mấy ngày qua, tại một số tuyến đường trung tâm xã Cam An Bắc (H.Cam Lâm), dọc hai bên đường hàng dài ô tô đậu kín, nhiều nhất là xe mang biển số Khánh Hòa, ngoài ra còn có các xe đến từ TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk... Anh Phan Thanh Hoàng, một người dân tại đây, cho biết anh chưa hề thấy cảnh môi giới BĐS kéo về đây náo nhiệt đến thế. "Vùng đất này nắng cháy, đất thì không trù phú, lại giáp núi… Tôi chẳng hiểu vì sao họ kéo về đây mua đất, đầu cơ đất làm gì", anh Hoàng nói.
Bên trong các quán cà phê ven đường xã Cam An Bắc, hàng chục "cò" đất ngồi túm tụm để bàn bạc, báo giá, "chốt" giá đất, điện thoại reo liên tục. Ngoài đường, nhiều "cò" livestream quang cảnh người mua bán để thông tin đến khách hàng đang ở xa. Bên cạnh đó, trên nhiều tài khoản Facebook, zalo cá nhân của các môi giới BĐS, hàng loạt hình ảnh khách hàng làm thủ tục sang nhượng đất tại các bộ phận một cửa của cơ quan chức năng được đăng tải liên tục, nhằm tạo niềm tin cho khách hàng.
Ông Nguyễn Bửu, trưởng thôn Thủy Ba (xã Cam An Bắc), cho hay mấy ngày nay không rõ lý do gì mà người từ nhiều nơi đổ về địa phương để bàn bạc, nói chuyện về đất đai. "Họ đi theo từng đoàn, từng tốp, xe hơi đậu kín 2 bên đường trung tâm xã, nhiều lúc còn tắc cả đường", ông Bửu nói và cho biết ở đây người dân vốn chỉ quen với việc trồng xoài, mía, mì thì nay lại xôn xao, náo động bởi câu chuyện quy hoạch, mua bán đất đai… nên ai cũng thấy lạ và tò mò.
Anh M.T, chủ một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (xã Cam An Bắc), cho biết nhiều môi giới BĐS kéo về đây từ sau Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa ngày 2.4 vừa qua, trong đó có công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong. "Chỉ một ngày sau khi các quy hoạch được công bố và tỉnh trao hàng loạt chứng nhận chấp thuận chủ trương đầu tư, mỗi ngày có hàng trăm người ghé vào uống cà phê, nói chuyện về đất đai. Trước đó, qua theo dõi một số tài khoản mạng xã hội, tôi cũng thấy họ đưa thông tin về đất các xã vùng ven H.Cam Lâm một cách dày đặc mà không hiểu nguyên do", anh T. thông tin thêm.
Qua tìm hiểu của PV, mấy ngày qua nhiều "cò" đất rao bán các lô đất mặt tiền dọc các tuyến đường chính liên thôn, xã ở một số xã vùng ven H.Cam Lâm với giá 230 - 250 triệu đồng/m ngang. Còn những lô đất trong đường nhánh được chào bán với giá từ 130 - 140 triệu đồng/m ngang. Ông Nguyễn Văn Minh (thôn Cửa Tùng, xã Cam An Bắc) cách đây 3 năm mua 2 lô đất có chiều ngang 40 m để dành cho 2 người con sắp ra ở riêng; thời điểm đó giá chỉ 28 - 30 triệu đồng/m ngang. Năm ngoái, có người trả ông 150 triệu đồng/m ngang. "Thấy quỹ đất còn khá, tôi bán đi 10 m ngang. Sau đó, chủ mới bán lại cho người khác và hơn một năm qua không có ai hỏi giao dịch, nhưng mấy ngày qua rầm rộ chuyện mua bán và hiện họ rao giá 250 triệu đồng/m ngang. Giá đất được đẩy cao lên gần 10 lần là không tưởng vì ở đây chẳng biết đầu tư gì để đất tăng giá trị một cách đột ngột như vậy", ông Minh chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Thế, Phó chủ tịch UBND xã Cam An Bắc, xác nhận những ngày qua có nhiều môi giới, nhà đầu tư rầm rộ kéo đến địa phương. Ông Thế cho hay chưa rõ lý do dẫn đến việc nhiều người về đây mua bán đất, nhưng qua nắm bắt thông tin sơ bộ, họ kéo về đây sau khi có thông tin một số vùng của tỉnh đã được công bố quy hoạch. Tuy nhiên, ông Thế cũng khẳng định quy hoạch H.Cam Lâm hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
Chiêu trò đẩy hàng tồn?
Theo một "cò đất" tên N., việc giá đất tại xã Cam An Bắc và xã kế cận Cam An Nam nóng lên được cho là bắt nguồn từ những thông tin đồn thổi về việc địa phương này nằm ngoài quy hoạch khu đô thị mới Cam Lâm (diện tích dự kiến quy hoạch hơn 54.700 ha). Trước đây có thông tin xã Cam An Bắc sẽ quy hoạch làm 6 sân golf thì nay lại có thông tin sẽ làm khu tái định cư, vì thế giá đất tại đây nóng lên. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thông tin này ở đâu ra, N. chỉ cho biết là anh em môi giới kháo với nhau chứ chưa có nguồn kiểm chứng.
Từ thông tin một số tài khoản mạng xã hội đăng cảnh làm thủ tục sang nhượng đất tại các đơn vị hành chính ở H.Cam Lâm, PV Thanh Niên đã đến ghi nhận thực tế. Tuy nhiên, hoàn toàn không có cảnh giao dịch như thông tin trên mạng xã hội. Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND H.Cam Lâm, khẳng định sau khi báo chí phản ánh, huyện đã cử cán bộ đi xác minh, nắm bắt thông tin ban đầu. Theo đó, việc nhiều nhà đầu tư, môi giới BĐS thông tin về quy hoạch các vùng ven của H.Cam Lâm lên các trang mạng là có, tuy nhiên đều là thông tin thất thiệt.
Riêng về hình ảnh khách hàng kéo đến làm thủ tục tại các bộ phận một cửa của H.Cam Lâm, ông Bảo cho rằng đó là hình ảnh không có thật, vì qua kiểm tra mấy ngày qua, lượng giao dịch không có đột biến. Theo ông Bảo, việc lợi dụng thông tin quy hoạch để tạo sóng giá đất là "bài" mà các nhà đầu tư, môi giới BĐS đã xài ở nhiều nơi. "Mục đích chính là bán được đất họ đã lỡ đầu tư nhằm thu hồi vốn. Qua báo chí, huyện cũng muốn người dân, nhà đầu tư tỉnh táo bởi quy hoạch chung H.Cam Lâm đang trong thời gian hoàn thiện chứ chưa có cấp nào phê duyệt. Huyện cũng đang cho lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi, giám sát, nếu có đột biến, vi phạm thì kịp thời xử lý", ông Bảo nói.
Ngày 6.4, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Trung, Bí thư Huyện ủy H.Cam Lâm, cho biết sau khi nắm bắt thông tin tình hình đất đai nóng lên ở một số xã, huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung lực lượng ổn định tình hình an ninh trật tự tại các điểm nói trên; đồng thời cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nắm tình hình, phát hiện các hành vi tung tin giả mạo để có biện pháp xử lý, ổn định tình hình.
Xem nhanh 20h ngày 7.4: 5 năm sau thảm kịch Carina | Thông tin vụ rơi trực thăng Bell 505
Cần cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro cho người dân
Về câu chuyện nhiều người đổ xô về H.Cam Lâm tạo sóng BĐS, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết ông cũng đã trực tiếp đi tìm hiểu thực hư. Sau khi đi thực tế, ông Quý nhìn nhận sự việc trên xuất phát từ việc một số người đưa lên mạng xã hội tài liệu trôi nổi về bản quy hoạch H.Cam Lâm nói chung và các xã lân cận. "Thậm chí một số người đưa ra bản đồ khu vực xã Cam An Bắc và xã Cam An Nam không nằm trong quy hoạch. Điều này gây ra những tác động tiêu cực như tăng nhu cầu mua bán, thu hút nhà đầu tư, tạo ra tình trạng bất ổn trong thị trường BĐS", ông Quý nói.
Theo ông Quý, để chấm dứt việc này, chính quyền nên công bố bản vẽ chính thức (nếu có) về quy hoạch để người dân có thể tham khảo. Ngoài ra, việc tuyên truyền về quy hoạch chung của H.Cam Lâm cần đảm bảo tính chính xác, tránh việc lợi dụng các tài liệu quy hoạch chưa được phê duyệt để gây ra tình trạng bất ổn như hiện nay.
Còn theo ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS VN, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, có thể thấy thời kỳ đầu của công tác lập quy hoạch chung chính là thời điểm các nhóm đầu cơ hoạt động mạnh nhất. Họ dùng nhiều cách để tạo nên những cơn sốt đất ảo nhằm thao túng giá cả để trục lợi. Phổ biến nhất là chiêu trò lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin và hình ảnh liên quan quy hoạch làm tâm điểm gây thu hút, nhằm tạo hiệu ứng Fomo (sợ bị bỏ lỡ) BĐS.
Tuần tới, Tỉnh ủy Khánh Hòa sẽ làm việc với H.Cam Lâm
Chiều 6.4, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết nội dung sốt đất ảo tại một số xã vùng ven H.Cam Lâm đã được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 5.4, ban đầu lãnh đạo H.Cam Lâm đã có báo cáo sơ bộ. Tuy nhiên, trước mắt sẽ thống nhất giao cho H.Cam Lâm xử lý. "Thứ hai tới, Thường trực Tỉnh ủy sẽ về làm việc với H.Cam Lâm về nhiều việc, sau đó sẽ có chỉ đạo cụ thể", ông Nam cho hay.
Theo ông Hoàng, vài năm trở lại đây, các chiêu trò thao túng BĐS đều tập trung ở các khu vực nông thôn, lợi dụng địa hình xa thành phố, chính quyền quản lý lỏng lẻo để dễ dàng hoạt động. "Nguyên nhân khiến nhiều người dễ dàng mắc bẫy chính là chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai, các kênh thông tin tiếp cận còn hạn chế và dễ dàng bị đám đông thao túng quyết định. Đất đai là loại tài sản có giá trị cao, là môi trường màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo nên rất cần cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ, sớm có các cảnh báo để hạn chế rủi ro cho người dân", ông Hoàng chia sẻ.
Thủ tướng phê duyệt 2 quy hoạch ở Khánh Hòa
Ngày 2.4, UBND tỉnh Khánh Hòa công bố Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc T.Ư; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Trong đó, Khu kinh tế Vân Phong, đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung bộ. Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ có 2 đô thị loại I là TP.Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm, 1 đô thị loại II (Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, TP.Nha Trang là đô thị hạt nhân, TP.Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; H.Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện địa phương đã hoàn thành và chờ cơ quan T.Ư phê duyệt 2 quy hoạch gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Bình luận (0)