Cần truyền cảm hứng cho người học

28/11/2019 08:25 GMT+7

Nhân lực chất lượng không chỉ nằm ở những người ưu tú mà quan trọng là sự khơi gợi và truyền cảm hứng cho người học...

Tại diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly, Trường Johns Hopkins School of Medicine (Mỹ), chia sẻ về chương trình giáo dục mang tên SARE với mong muốn thông qua giáo dục để cải thiện và kích thích tiềm năng của đối tượng học sinh yếu kém.
Ý tưởng của chương trình trên là thông qua việc tăng cường thực hành, thực nghiệm nghiên cứu khoa học để khuyến khích sự ham học hỏi và nâng cao vai trò của học sinh, sinh viên trong môi trường học đường. Chương trình đã được thực hiện ở Baltimore (Mỹ) trong 10 năm và giúp nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp đại học và THPT của học sinh địa phương. Chị Sao Ly cho rằng nhân lực chất lượng không chỉ nằm ở những người ưu tú mà quan trọng là sự khơi gợi và truyền cảm hứng cho người học, bởi bản thân chị cũng là người học yếu môn sinh nhưng giờ đã là nghiên cứu sinh của trường đại học y khoa nổi tiếng thế giới.
Cũng đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Hà Hoàng Thi (Đại học Harvard, Mỹ) và chị Võ Thị Kim Thảo (nghiên cứu sinh Trường đại học Khoa học Huế) cho rằng cần có nguồn lực hỗ trợ những học sinh yếu thế vì ở Việt Nam có nhiều học sinh phải bỏ học do không có điều kiện… Trong khi đó, có học sinh khi được hỗ trợ đã trở thành người xuất sắc. Từ đó, nhóm này cũng đã triển khai một dự án nhân ái, để tập hợp các du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới góp quỹ học bổng, giúp cho học sinh nghèo Việt Nam.
Tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội”, các đại biểu đều cho rằng năng suất lao động là vấn đề trọng yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Quốc Định (nghiên cứu sinh về chính sách công tại Mỹ), năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thấp nhưng hiện chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này từ góc nhìn giới. Theo anh Định, bất bình đẳng giới có thể dẫn đến năng suất lao động thấp vì nền kinh tế không tận dụng được hết khả năng của nữ giới. Nhà nước cần thúc đẩy thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ.
Còn chị Thảo Nguyên, luật sư đến từ Pháp, chia sẻ: “Muốn nâng cao năng suất lao động trước hết phải đảm bảo công bằng xã hội. Thay vì chỉ nói đến bình đẳng giới, bình đẳng thu nhập, bình đẳng tôn giáo..., chúng ta cần đảm bảo bình đẳng về mặt cơ hội. Mỗi người chúng ta, ai cũng có cơ hội như nhau để họ đạt đến đích nhanh hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.