Cần từ bỏ mô hình giáo dục đồng nhất

12/08/2023 06:06 GMT+7

Việc hơn 30% học sinh không đăng ký xét tuyển ĐH để tham gia giáo dục nghề nghiệp, du học, xuất khẩu lao động hoặc lao động trực tiếp là một biểu hiện của mô hình giáo dục phi đồng nhất.

Sau gần 10 năm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện, nền giáo dục nước ta đã từng bước chuyển từ mô hình giáo dục đồng nhất sang mô hình giáo dục phi đồng nhất. Tuy nhiên, quá trình đổi mới vẫn gặp nhiều khó khăn, cần phải từ bỏ dứt khoát với mô hình giáo dục đồng nhất và tư duy văn mẫu.

MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐỒNG NHẤT VÀ HỆ LỤY

Mô hình giáo dục đồng nhất (uniform education system) là một hệ thống giáo dục mà tất cả học sinh (HS) được học cùng một chương trình, với cùng một nội dung và phương pháp giảng dạy. Trong mô hình này, không có sự phân hóa giữa các HS dựa trên năng lực hay khả năng học tập của từng cá nhân.

Mô hình giáo dục này bị chỉ trích ở nhiều quốc gia, vì không tôn trọng sự đa dạng của người học, không khuyến khích phát triển cá nhân. Việc cho người học nhiều lựa chọn là rất quan trọng để đảm bảo rằng, họ sẽ phát triển hết tiềm năng của mình và theo đuổi đam mê, sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Ở nước ta đã có một thời kỳ dài đi theo mô hình giáo dục đồng nhất. Cả nước một loại hình trường phổ thông, một chương trình giáo dục và một bộ sách giáo khoa (SGK) thống nhất; giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chủ yếu là trường trung cấp nghề, còn giáo dục đại học (GDĐH) theo mô hình truyền thống, đơn ngành.

Giáo dục đồng nhất trước đây đã đào tạo lớp thanh niên, người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, mô hình giáo dục này duy trì quá dài và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Vì vậy, những tư duy như "tập trung", "thống nhất" trở thành tư tưởng xuyên suốt, khó thay đổi, nên dẫn đến hai thái cực.

Cần từ bỏ mô hình giáo dục đồng nhất - Ảnh 1.

Có nhiều hướng đi cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT

NGỌC DƯƠNG

Một là, không chấp nhận sự đổi mới mô hình giáo dục bởi vì sợ mất đi sự thống nhất sẽ phức tạp trong quản lý và chỉ đạo. Chẳng hạn, mô hình trường "Phổ thông vừa học vừa làm - Trường học gắn với lao động, sản xuất" triển khai hàng chục năm trong những năm 1980, sau một thời gian quay trở về trường phổ thông bình thường. Hay trường THPT phân ban, thí điểm lui tới rất nhiều lần, nhưng cuối cùng trở về trường THPT không phân ban.

Thái cực thứ hai là triển khai một mô hình giáo dục nào đó có nhiều ưu điểm thì muốn triển khai nhanh chóng, vội vàng, không tính đến điều kiện thực tiễn. Chẳng hạn, mô hình trường học mới VNEN có nhiều yếu tố tiến bộ, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục, nhưng việc áp dụng một cách máy móc, rập khuôn, triển khai ồ ạt (kế hoạch triển khai khoảng 1.000 trường, nhưng do nóng vội nên đến năm 2016, cả nước đã có hơn 5.000 trường tiểu học và THCS áp dụng). Chính sự nóng vội, rập khuôn, không lắng nghe phản ánh từ thực tiễn đã dẫn đến thất bại của mô hình trường học VNEN.

NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC 

Từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quá trình chuyển đổi từ mô hình giáo dục đồng nhất sang mô hình giáo dục phi đồng nhất, đa dạng các loại hình, mô hình trường học và hội nhập quốc tế được thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn.

Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định, giáo dục phổ thông thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Ngoài chương trình giáo dục chung, thống nhất trong toàn quốc, còn có phần giáo dục địa phương về lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế do từng địa phương biên soạn, ban hành, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm thẩm định. Thực tiễn đến nay đã có 3 bộ SGK được xuất bản theo hình thức xã hội hóa. UBND tỉnh, thành phố lập hội đồng lựa chọn các SGK dùng chung cho địa phương, trường học xây dựng kế hoạch giáo dục, phương án phân hóa HS phù hợp với điều kiện từng trường. Điều này đã góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên và HS.

Ngoài trường phổ thông bình thường và trung tâm GDTX-GDNN, hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông quốc tế, trường song ngữ, trường tiên tiến hội nhập quốc tế, trường chất lượng cao... được triển khai ở nhiều địa phương. Nhiều trường trong số này đã xây dựng triết lý, sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu riêng, hướng đến đào tạo công dân toàn cầu…

Tuyển sinh ĐH và GDNN do các trường tự chủ với nhiều phương thức xét tuyển theo xu hướng của thế giới và đa dạng hóa giáo dục sau trung học. Điều này đã giảm áp lực cho thi tốt nghiệp THPT, HS sau THPT có nhiều lựa chọn hơn. Bằng chứng là năm 2022 và năm 2023, có gần 35% HS không đăng ký xét tuyển ĐH để tham gia GDNN, xuất khẩu lao động hoặc lao động trực tiếp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến HS không lựa chọn con đường ĐH, trong đó có nguyên nhân học phí ĐH ngày càng tăng, một bộ phận HS, dù có khả năng học tập nhưng không có điều kiện kinh tế để theo đuổi ĐH.

Cần từ bỏ mô hình giáo dục đồng nhất - Ảnh 2.

Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định, giáo dục phổ thông thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK

ĐÀO NGỌC THẠCH


VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Đổi mới giáo dục hiện nay còn rất khó khăn, bởi vì nhiều công đoạn của giáo dục, nhiều thói quen đã ăn sâu đối với giáo viên và nhiều người.

Chẳng hạn, giáo dục phổ thông thực hiện một chương trình thống nhất, còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo, nhưng thói quen của giáo viên vẫn coi SGK như một chương trình cụ thể.

Việc thực hiện nhiều bộ SGK sẽ khó khăn cho HS khi chuyển từ trường này sang trường khác, ngay cả việc ngân sách đầu tư, hỗ trợ SGK cho các vùng khó khăn cũng gặp phải trở ngại, vì trường học ở các địa phương này sử dụng SGK của nhiều bộ khác nhau… Từ đó, dư luận trong xã hội, kể cả nghị trường Quốc hội có ý kiến đề xuất nên dùng một bộ SGK thống nhất trong cả nước để dễ quản lý và chỉ đạo. Điều này dẫn đến nguy cơ trở về mô hình giáo dục đồng nhất như trước đây.

Nếu Bộ GD-ĐT xây dựng thêm một bộ SGK, điều này sẽ có những ưu điểm như HS có nhiều lựa chọn hơn, được nhà nước đầu tư nên giá thành hạ, việc cấp SGK miễn phí cho HS vùng khó cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những khó khăn, đó là: khó tập hợp đội ngũ nhà giáo dục, nhà khoa học giỏi để viết sách, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh và gây tốn kém thêm cho ngân sách khi các bộ sách hiện hành đảm bảo được yêu cầu của chương trình giáo dục 2018. Vấn đề đặt ra, là các bộ sách hiện hành phải có sự tiếp cận chương trình giáo dục khác nhau, ngày càng nâng cao chất lượng và giá thành giảm.

Tư duy văn mẫu đã đồng phục hóa tư duy HS, cũng là một cản trở trong đổi mới giáo dục.

Tư duy học để thi, chứ không phải học để nâng cao năng lực và phẩm chất cũng là một khó khăn đối với giáo dục. 

Giải pháp cá nhân hóa giáo dục

Tài năng của con người cực kỳ đa dạng và có những năng khiếu hoàn toàn khác nhau. GS Howard Gardner (Mỹ), người đã sáng tạo ra thuyết "Đa thông minh", cho rằng một người có thể tiềm ẩn một hoặc nhiều trí thông minh khác nhau.

Theo GS Howard Gardner, trường học nên giúp đỡ HS tham gia học hỏi, phát triển nhiều loại thông minh, tham gia nhiều loại sinh hoạt học đường và xã hội, khiến cho HS phát triển các năng lực để sau này phục vụ xã hội theo nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vì vậy, cần từ bỏ mô hình giáo dục đồng nhất và tư duy văn mẫu trong giáo dục. Đa dạng hóa mô hình trường phổ thông, xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc, trường học toàn diện… GDNN và GDĐH cũng cần đa dạng, liên thông, đào tạo đa ngành như các nước là điều cần thiết để tạo ra nguồn nhân lực đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Cá nhân hóa giáo dục là câu trả lời cho hiện tại và tương lai để xây dựng một nền giáo dục học tập suốt đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.