Tuần nào cũng có "kèo"
Đến hẹn lại lên, tới thời điểm cuối năm là thiệp đám cưới, các cuộc hẹn gặp gỡ, tất niên cứ nối tiếp nhau đến, khiến không ít người trẻ phải đau đầu.
N.H.S, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết từ khi bắt đầu đi làm, anh đã lên kế hoạch quản lý chi tiêu cá nhân, dành khoảng 5 - 10% thu nhập cho các đám tiệc tùng và không quá sa đà vào các cuộc vui. Năm nay kinh tế khó khăn hơn, nhiều thiệp cưới đến bất ngờ, mỗi đám mừng từ 500.000 đến 1 triệu đồng, nên anh không tránh khỏi cảnh cạn túi.
Thêm vào đó, S. làm việc trong môi trường nhiều nam giới nên những buổi "chén chú chén anh" diễn ra thường xuyên. Mỗi lần như vậy S. thường chi từ 200.000 - 500.000 đồng, thêm vào đó, kết thúc mỗi bữa tiệc anh đều phải đi xe ôm công nghệ về nhà, một lần vài chục ngàn đồng, cộng lại cũng là một khoản đáng kể. "Từ nay đến tết Nguyên đán còn khoảng 4 - 5 cuộc hẹn nữa", S. tính nhẩm.
Còn N.H.T, sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thì hầu như tuần nào cũng có "kèo". Chỉ trong tháng 12.2023, T. đã dự gần 10 buổi tiệc của công ty (nơi T. từng thực tập và được nhận vào làm chính thức sau đó), cộng thêm các buổi hẹn hò, gặp mặt bạn bè. Hỏi về các "kèo" trong thời gian tới, T. trả lời chưa biết chắc chắn, nhưng ước lượng cũng khoảng 5 - 6 cuộc hẹn nữa.
Vì còn là sinh viên nên T. không chi quá nhiều tiền cho mỗi cuộc vui, nhưng cộng lại cũng chiếm khoảng 30% thu nhập hằng tháng. Có lúc hối hận vì không biết cách từ chối lời mời của người khác, nhưng nghĩ đến việc bản thân ở xa nhà, có dịp gặp gỡ bạn bè để cùng chia sẻ thì rất vui nên T. thường không từ chối các cuộc hẹn.
Dù ở TP.HCM hay các vùng khác thì không khí tiệc tùng cuối năm cũng đang rất rộn ràng. L.H.Đ, ngụ xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), cho biết tháng này đã chi 1 triệu đồng cho việc đi đám cưới và thôi nôi nhà đồng nghiệp. Tuần nào vướng lịch trực thì Đ. gửi phong bì, còn không sẽ đến dự. "Thiệp mời tới liên tục, nhưng lương thì đã chi hết, mình phải vay mượn bạn bè trước rồi sau đó trả lại", Đ. thổ lộ.
Hồi mới đi làm, Đ. cũng hơi choáng vì phải dự nhiều đám tiệc. Nhà ai tổ chức sinh nhật, thôi nôi, tân gia, cưới hỏi… đều gửi thiệp mời cho tất cả mọi người trong cơ quan. Có khi gặp lời mời từ người không quá thân thiết, Đ. vẫn tham gia vì sợ không đi sẽ mất lòng người mời.
"Những người mời mình thường là anh em trong cơ quan, không đi kỳ lắm, sợ sau này liên hệ công việc lại ngại với người ta", Đ. bộc bạch.
Muốn từ chối thì xử lý sao cho khéo ?
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng trước lời mời tiệc tùng, gặp mặt, nhiều người khó nói lời từ chối, trong khi phải vay tiền để tham dự. Điều này một phần do thói quen ngại từ chối và tâm lý sợ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ, kết nối với người khác, thậm chí sợ đánh mất cơ có thể có trong buổi gặp.
Mặt khác, có thể do áp lực từ xã hội và kỳ vọng liên quan đến việc tham gia sự kiện. Một số người sợ việc bỏ lỡ sự kiện có thể khiến họ mất đi những trải nghiệm, niềm vui hoặc kỷ niệm quan trọng. Tuy nhiên, không nên quyết định vay tiền để đi đám tiệc vì có thể làm tăng nguy cơ mắc nợ hay gây khó khăn trong tài chính cá nhân.
Thạc sĩ An gợi ý nếu người trẻ đang gặp khó khăn về tài chính và không đủ điều kiện tham dự đám tiệc thì có thể gửi phản hồi bằng tin nhắn hoặc trang trọng hơn là email biểu thị cảm ơn, đồng thời xin lỗi vì sự vắng mặt của mình. Có thể chia sẻ thông điệp chúc mừng qua tin nhắn, video call hay gửi món quà nhỏ phù hợp với túi tiền thông qua dịch vụ chuyển phát. Thậm chí, bạn có thể nói trực tiếp với người mời về tình hình tài chính của mình một cách thực tâm.
Với góc nhìn của chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, chị Nguyễn Thị Thu Hương (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT) cho rằng thời điểm cuối năm nhiều người trẻ thường khó kiểm soát chi tiêu hơn vì các sự kiện xã hội, lễ hội mua sắm, tự thưởng cho bản thân, áp lực xã hội... tất cả tạo nên bầu không khí sôi động và kích thích chi tiêu hơn.
Không riêng người trẻ, người trưởng thành cũng bị áp lực vì hẹn hò, tiệc tùng khi có thu nhập chưa ổn định hoặc chưa quản lý tài chính hiệu quả, không có nguồn dự trù hoặc lên kế hoạch từ sớm.
Do vậy, trước khi nhận lời tham dự tiệc tùng, chuyên gia Thu Hương khuyên bạn trẻ cần xác định đâu là những sự kiện quan trọng nhất mà mình muốn tham gia? Những sự kiện nào mình có thể vắng mặt mà không gây ra sự bất tiện cho người khác?...
Ngoài ra, bạn trẻ có thể xác định mức tiền cụ thể cho việc tham gia tiệc tùng và gặp mặt. Chẳng hạn quyết định dự bao nhiêu đám hoặc cuộc gặp, dựa trên ngân sách và sự thoải mái của bản thân; chỉ tham gia các sự kiện quan trọng nhất hoặc những buổi gặp gỡ bạn bè cũ.
"Còn nếu đã quyết định tham gia một buổi tiệc, hãy cố gắng tận hưởng nó và tạo ra những kỷ niệm ý nghĩa. Điều này giúp bạn thấy rằng chi tiêu không chỉ là số tiền, mà còn về những trải nghiệm và mối quan hệ", chuyên gia Thu Hương chia sẻ.
Bình luận (0)