Đó là đề xuất của TS. Trần Dục Thức (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) tại Hội thảo Vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM, do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức, diễn ra vào ngày 20.12.
Theo TS Thức: “Ngân hàng và các quỹ đầu tư của nhà nước hoạt động theo một cơ chế an toàn. Tức là, khi họ rót vốn cho anh làm bất kỳ một dự án nào họ đều dựa trên nguyên tắc có lãi dù ít hay nhiều và phải bảo toàn được nguồn vốn ban đầu của họ bỏ ra. Còn các quỹ đầu tư mạo hiểm mà các nước trên thế giới đang hoạt động là họ chấp nhận rủi ro khi đầu tư nhưng có nghiên cứu rất kỹ. Và khi các dự án họ đầu tư mà thành công thì thường thành công rất lớn”.
Ông Thức đưa ra ví dụ: “Một quỹ đầu tư mạo hiểm có 100 tỉ đồng, họ sẵn sàng chọn 10 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư, tương đương mỗi dự án họ sẽ rót vốn ban đầu là 10 tỉ đồng. Nhưng họ chỉ cần từ 1 đến 2 dự án trong số đó thành công là họ đã thắng lớn. Bởi 1 dự án khi đầu tư 10 tỉ đồng ban đầu, nếu thành công nó sẽ mang lại cho nhà đầu tư ít nhất 120 tỉ đồng hoặc nhiều hơn thế. Nói chung chúng ta phải chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp nhưng có sự tính toán thì mới bức phá được”.
|
Đề cập đến vấn đề giảm thiểu tỷ lệ thất bại trong khởi nghiệp, TS Thức cho rằng: “Nhà khởi nghiệp phải giải quyết tốt hai nhóm nguyên nhân. Đó là, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài. Nhóm nguyên nhân bên ngoài liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, điều mà chúng ta có thể được cải thiện thông qua việc xây dựng và triển khai các chính sách khởi nghiệp phù hợp của từng quốc gia và địa phương. Còn nhóm nguyên nhân bên trong là do doanh nghiệp khởi nghiệp thường non trẻ, đội ngũ lãnh đạo còn yếu kém trong việc quản lý vì chưa có kiến thức nền tảng về quản trị. Hơn nữa, các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có kinh nghiệm thực tế, nhất là chưa hình thành một phong cách lãnh đạo phù hợp, cũng như chưa xây dựng nguồn nhân lực gắn bó công việc, có động lực làm việc”.
Ông Thức chỉ ra: “Khởi nghiệp chỉ thành công đối với những tổ chức biết định hướng cho con đường phát triển một cách thông minh nhất. Người quản lý một doanh nghiệp phải biết động viên và truyền cảm hứng cho nhân viên. Động viên để tạo sự kiên trì và động lực làm việc mạnh mẽ là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn đối với nhà quản lý. Người quản lý phải sẵn sàng trao quyền hạn rộng hơn cho nhân viên trong công việc, khuyến khích những phương pháp sáng tạo trong công việc. Nhưng đồng thời cũng thực hiện giám sát để sẵn sàng hỗ trợ nhân viên khi cần thiết”.
|
Bàn về vấn đề vận dụng cơ chế đặc thù nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), nói: “Trong bối cảnh hội nhập với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy di chuyển và kết nối các nguồn lực dễ dàng. Bài toán nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp không chỉ gói ghém trong phạm vi thành phố hoặc quốc gia, mà cần tính đến nguồn nhân lực của toàn cầu. Tận dụng cơ chế phát triển hay bị nhấn chìm bởi thách thức là vấn đề của doanh nghiệp. Nhà nước có vai trò trong việc tạo môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp kết nối nguồn lực phát triển. Với cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ chủ động trong việc thực hiện vai trò tiếp sức doanh nghiệp phát triển”.
Phân tích các chính sách trợ giúp doanh nghiệp của TP.HCM trong thời gian qua, TS Huỳnh Thanh Điền nói: “Mặc dù có nhiều chương trình trợ giúp doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại..., nhưng những hoạt động hỗ trợ khá rời rạc, gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác tư vấn cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách cũng còn hạn chế...”. Từ đó, TS Điền cho rằng TP.HCM cần đẩy mạnh phân cấp và trao quyền cho các quận, huyện, phường, xã để phát huy tính năng động và sáng tạo trong quản trị nhà nước. Tập trung cải cách mạnh mẽ tinh thần phục vụ đối với các cơ quan trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp”.
|
Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh, đầu tư và chiến lược của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu RI NY, đề xuất: “TP.HCM cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với mức lãi suất dao động từ 4-5%/năm”.
Theo ông Ánh Minh, tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp không cao, tối đa khoảng 10%. Vậy, 90% các doanh nghiệp thất bại họ sẽ khó gượng dậy, cho nên Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để họ làm lại từ đầu. “Trên thực tế có những người khởi nghiệp đến lần thứ 2, thứ 3 thậm chí nhiều hơn thế mới thành công, bởi khởi nghiệp thành công là một vấn đề không đơn giản”, ông Minh nói.
|
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế, Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết: “Những ý kiến của các đại biểu nêu ra tại hội thảo rất hay, xác với nhu cầu thực tế và cần có sự hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp thu, tổng hợp lại những ý kiến đề xuất để đưa ra bàn thảo với các đại biểu của HĐND TP.HCM. Làm sao để giúp doanh nghiệp vận dụng cơ chế đặc thù của thành phố, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo môi trường để cho doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn”.
Bình luận (0)