Cảng biển nước sâu Trần Đề sẽ giúp ĐBSCL đột phá

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
28/04/2022 14:40 GMT+7

Sóc Trăng cần phải xây dựng hệ sinh thái, môi trường đầu tư “công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng.

Sáng 28.4, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng

TRẦN THANH PHONG

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư và trao quyết định chủ trương đầu tư 25 dự án với tổng vốn hơn 40.315 tỉ đồng. Đến nay, có 7 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 2.870 tỉ đồng; 4 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 3.230 tỉ đồng. Cũng sau hội nghị này, tỉnh tiếp tục đón tiếp, làm việc với hơn 500 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, nghiên cứu đầu tư. Qua đó, đã thu hút được 101 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 67.500 tỉ đồng.

Theo ông Trần Văn Lâu, để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được; đồng thời tận dụng thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 5 trụ cột: Dịch vụ Logistics; hạ tầng công nghiệp - đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 3 bên trái) trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng

Cảng biển Trần Đề - dự án trọng điểm của tỉnh

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết 7 năm nữa Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ của khu vực ĐBSCL. Sóc Trăng đang triển khai những dự án quan trọng, đặc biệt là hình thành cảng biển nước sâu Trần Đề, không có cảng nào của ĐBSCL có thể so sánh được. Từ trung tâm cảng Trần Đề đến trung tâm của vùng là TP.Cần Thơ chỉ có 60 km. Chính phủ hết sức quan tâm đến việc phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, nhất là cảng biển nước sâu Trần Đề là điểm đột phá chung của ĐBSCL. Do đó cảng Trần Đề đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm về trung chuyển hàng hóa, mở rộng không gian phát triển khu vực ĐBSCL.

Theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiến hành xã hội hóa xây dựng cảng Trần Đề. Vừa qua, Bộ Chính trị đã thống nhất đầu tư cho ĐBSCL khoảng 150.000 tỉ đồng, trong đó có 1 tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Do đó, hệ thống giao thông đường bộ sắp tới sẽ hỗ trợ đặc biệt cho cảng Trần Đề. Hàng hóa có thể sử dụng các tuyến cao tốc để kết nối với cảng Trần Đề. Xung quanh Trần Đề chắc chắn hình thành các khu, cụm công nghiệp, bởi cự ly vận chuyển gần, chi phí vận tải thấp, chắc chắn nhà đầu tư cũng sẽ rất quan tâm.

Xây dựng hệ sinh thái, môi trường đầu tư

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL và cả nước nói chung phải xây dựng hệ sinh thái, môi trường đầu tư “công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng

Trần thanh phong

Thủ tướng đề xuất 13 nội dung mà tỉnh Sóc Trăng, các bộ, ngành, doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức tạo sức mạnh tổng hợp phát triển tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vùng ĐBSCL và đất nước nói chung, trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng quy hoạch. Theo đó, quy hoạch phải đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; chỉ ra được khó khăn, tồn tại, thách thức để có giải pháp khắc phục. Phải giải quyết tốt các vấn đề mang tính toàn cầu và mang tính toàn dân như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, già hóa dân số, chuyển đổi số, an sinh xã hội.

Sóc Trăng cần lựa chọn vấn đề ưu tiên, theo thứ tự ưu tiên đối với các vấn đề, dự án có sức lan tỏa lớn, phát triển hiệu quả, bền vững để triển khai trước; song phải tính linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính, trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nước và quốc tế; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Tuy nhiên phải xóa bỏ cơ chế xin – cho; cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Những dự án đăng ký phải là dự án thật, loại bỏ các dự án ảo. Đồng thời, quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài, lành mạnh, bền vững tại tỉnh Sóc Trăng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị người dân, nhất là người dân vùng có các dự án thực hiện tốt chính sách pháp luật; ủng hộ, tạo điều kiện để triển khai các dự án, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các địa phương có cơ chế huy động nguồn lực toàn xã hội, tiếp tục thực hiện các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, trong đó đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng yêu cầu, ngay sau hội nghị, Sóc Trăng và các bộ, cơ quan trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý tập trung giải quyết, xử lý ngay các kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án tại Sóc Trăng với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 12.078 tỉ đồng và bản ghi nhớ nghiên cứu khảo sát đầu tư với 19 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký trên 200.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.