ĐBSCL đối mặt nhiều khó khăn trong chuyển đổi số

05/04/2022 22:18 GMT+7

Việc phát triển nguồn nhân lực , nhất là nguồn nhân lực số, tại ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, cần phải tháo gỡ bằng nhiều giải pháp.

Chiều 5.4, tại TP.Cần Thơ, Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực ĐBSCL. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, dự và điều hành hội nghị.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông dự và điều hành hội nghị

THANH DUY

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất mạnh mẽ. Nền kinh tế số đang từng bước thay thế nền kinh tế truyền thống. Vì vậy cần đặc biệt chú trọng đến xu hướng phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng cao để đáp ứng kịp thời nhịp độ phát triển nền kinh tế số. Để đáp ứng yêu cầu này, việc đào tạo mới, nâng cao kỹ năng nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực số là vấn đề rất cần thiết, cấp bách và cần được tập trung triển khai.

Tuy nhiên, trình độ lao động của Việt Nam đang đặt ra những thách thức lớn cho yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số. Chỉ khoảng 10% tỷ lệ lao động ở Việt Nam có kỹ năng cao. Trong khi đó, lao động nằm trong nhóm kỹ năng thấp vượt hơn 40%, cao nhất khu vực Đông Nam á.

Đối với khu vực ĐBSCL, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển, phát huy tiềm năng kinh tế - xã hội. “Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực số, một trong những nhân tố cốt lõi để ĐBSCL phát triển bền vững đang gặp nhiều khó khăn, cần phải tháo gỡ bằng nhiều giải pháp và cần có chiến lược đào tạo thu hút nhân tài”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mê Kông

THANH DUY

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ KH-ĐT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đã khởi động Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong (MII). Theo đó, mục tiêu của MII là tăng cường đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở ĐBSCL ở các phương diện, như: huy động nguồn lực, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao nguồn nhân lực, tăng cường phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.