Phát triển nông nghiệp ĐBSCL thành hình mẫu cho cả nước

28/03/2022 16:01 GMT+7

Bộ NN-PTNT vừa công bố thành lập Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và ra mắt Văn phòng điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực này.

Ngày 28.3, tại TP.Cần Thơ, Bộ NN-PTNT đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và ra mắt Văn phòng điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực này giai đoạn 2020 - 2025.

Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL sẽ dần trở thành hình mẫu cho nông nghiệp cả nước

đình tuyển

Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL gồm có 41 thành viên. Trong đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng ban; thành viên là đại diện nhiều đơn vị của Bộ và Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL.

Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT đáp ứng yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL. Các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển vùng theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL gồm có 41 thành viên do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng ban

ĐÌNH TUYỂN

Trong khi đó, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, trụ sở đặt tại TP.Cần Thơ, có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn và bộ trưởng Bộ NN-PTNT tổ chức, triển khai các nhiệm vụ của ban chỉ đạo này. Chẳng hạn như hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu. Kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu. Nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống. Hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cấp vùng.

Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng... Một số liên kết được Ban Chỉ đạo xem là mục tiêu chính như: Nguồn nước, hạ tầng, sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ. Liên kết khoa học công nghệ, thị trường, nguồn lực, đào tạo lao động. Từ đó tạo ra những sản phẩm nông sản cho khu vực ĐBSCL có giá trị kinh tế cao đủ sức cạnh tranh ở hầu hết các thị trường trên thế giới.

Một số sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành ĐBSCL được trưng bày tại Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL

ĐÌNH TUYỂN

Nói thêm về Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Tại đây, mỗi tháng và tiến tới mỗi tuần đều có những sự kiện, hoạt động ở đây nhằm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài bộ. Đồng thời tạo ra không gian để các doanh nghiệp, nhà khoa học cùng ngồi trao đổi để từ những ý tưởng sẽ hình thành ra nhiều sáng kiến, từ sáng kiến thành kế hoạch hành động. Kế hoạch hành động này là kết tinh của tư duy, kiến thức và tri thức của nhà nhà khoa học, các viện, trường… cho nông nghiệp ĐBSCL”.

Cũng theo ông Hoan, phương châm hành động của Bộ trong năm 2022 là “Tư duy mở, hành động nhanh và kết quả thật”. Đây là hành trình theo đuổi phát triển nông nghiệp ĐBSCL dần trở thành hình mẫu cho nông nghiệp cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.