Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau rất nhiều nỗ lực từ chính quyền tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan, sáng 23.6, tỉnh sẽ tổ chức công bố Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế.
Theo quyết định 610/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ngày 17.5.2024 về phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cảng hàng không Liên Khương là cảng quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Còn theo quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ, sân bay Liên Khương quy hoạch đến năm 2030 có diện tích gần 341 ha, định hướng đến năm 2050, cảng hàng không này có quy mô diện tích gần 487 ha, đón 5 triệu du khách.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương ở TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng, cách TP.Đà Lạt 28 km, việc cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế, không chỉ là sự mong đợi của các cấp chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng mà còn sự mong đợi của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, đặc biệt du khách quốc tế yêu mến Đà Lạt.
Ông Phạm S cho rằng, đây được xem như cú hích cực kỳ quan trọng góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây nguyên nói chung. Sau khi hạ cánh du khách đến Đà Lạt chỉ khoảng 28 km, có thể đi vào các tỉnh Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận rất thuận lợi.
Cũng theo ông Phạm S, Cảng hàng không Liên Khương có mốc lịch sử khá lâu đời không chỉ ở Việt Nam mà còn có tầm quốc tế. Sân bay Liên Khương được khởi công xây dựng năm 1933, và hoạt động dưới sự quản lý của Pháp, với tên gọi là sân bay Liên Khàng. Hơn 20 năm sau, sân bay này được người Mỹ tiếp quản, sửa chữa và nâng cấp sân bay lần đầu và đổi tên thành sân bay Liên Khương.
Những năm 1956 - 1960 người Mỹ đã tu sửa, nâng cấp Liên Khương với cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh với công suất 50.000 hành khách/năm, được khai thác vào ngày 24.2.1961 và từng là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó.
Những năm 1964 - 1972 toàn bộ hệ thống đường hạ cất cánh (HCC), được nâng cấp dài 1.480m, rộng 37m; sân đỗ máy bay rộng 23.100m2, sân đỗ ô tô 2.106m2.
Sau ngày 30.4.1975 đến năm 1980, Cảng hàng không Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành, chủ yếu phục vụ cán bộ lãnh đạo đi công tác và vận chuyển dân từ Hà Nội đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng.
Từ năm 1981 - 1985, Cảng hàng không Liên Khương triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, đường bay TP.HCM - Liên Khương với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay YAK.40. Tuy nhiên, sau đó đường bay tạm ngưng hoạt động do lượng khách ít.
Từ năm 1992, Cảng hàng không Liên Khương triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay TP.HCM - Liên Khương, thời kỳ này còn mở thêm Liên Khương - Huế và ngược lại, loại máy bay sử dụng là AK.40 và sau này được thay thế bằng ATR.72.
Ngày 2.9.2003 khởi công dự án cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Liên Khương do Cụm cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư. Đường hạ cất cánh mới dài 3,250 m, rộng 45m, cải tạo đường hạ cất cánh hiện hữu thành đường lăn, sân đậu máy bay có sức chứa 6 - 8 máy bay.
Ngày 26.12.2019, việc sửa chữa nâng cấp hoàn thành, Cảng hàng không LIên Khương đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2, đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như Boeing 767 hay Airbus A320, A321… với khả năng phục vụ 1,5 - 2 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây mỗi năm Cảng hàng không Liên Khương đón trên 2,5 triệu du khách, vượt xa nhiều công suất thiết kế.
Cảng hàng không Liên Khương có kiến trúc độc đáo, ấn tượng, được thiết kế mang dáng dấp của bông hoa dã quỳ với phần mái sử dụng màu vàng và được uốn cong và phân ra nhiều phân cánh giống hệt như đóa dã quỳ nở rộ. Công trình nhà ga Cảng hàng không Liên Khương được trao giải nhất Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2010.
Bình luận (0)