Càng tham lam, càng khó làm giàu

18/08/2016 07:49 GMT+7

Bạn càng yêu tiền, tiền càng ít yêu bạn. Trung Quốc, Ấn Độ là hai nước "yêu tiền" nhất thế giới. Đây là hai điểm chính trong kết quả khảo sát mới của các nhà nghiên cứu Mỹ.

Theo CNN, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng thuộc State Street cho thấy gần 60% nhà đầu tư đạt điểm cao trong thước đo “tình yêu tiền bạc” thực tế lại có kết quả tài chính xấu. Nghiên cứu trên khảo sát 3.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ trên toàn thế giới.
“Càng yêu tiền, người ta càng mất nhiều tiền”, người đứng đầu mảng nghiên cứu toàn cầu Suzanne Duncan tại State Street cho hay. Những người yêu tiền rất nhạy cảm với hiệu quả đem lại sự hài lòng tức thì. Họ rất muốn có tiền ngay.
State Street cũng phát hiện điều ngược lại là đúng: Những người ít yêu tiền thì thực hiện nhiều quyết định đầu tư tốt hơn. Lý do là vì người yêu tiền ít có khả năng ưu tiên việc tiết kiệm hoặc đóng góp vào kế hoạch hưu trí cá nhân. Họ có xu hướng mua cao, bán thấp. Khi được khảo sát, họ trả lời rằng mình muốn có 1.000 USD bây giờ hơn là chờ 5 năm để kiếm được 1.900 USD.
Dù Mỹ là nơi có Phố Wall, đây không phải là nước có điểm số “tình yêu tiền bạc” cao nhất. Ấn Độ giành danh hiệu “yêu tiền nhất” với 93% người trả lời ghi điểm cao. Trung Quốc và Brazil là hai nước xếp liền sau. Chỉ 65% nhà đầu tư Mỹ được khảo sát có điểm “yêu tiền” cao.
Bà Duncan liên kết tình yêu tiền bạc ở các nước đang phát triển với việc thiếu mạng lưới an toàn từ chính phủ, chẳng hạn như an sinh xã hội, hỗ trợ tài chính cho người dân khi về già. Điều này khiến người ta muốn có nhiều tiền hơn.
Một đặc điểm khác của các nhà đầu tư yêu tiền là họ kiểm tra điện thoại di động nhiều hơn những người khác. State Street phát hiện ra rằng các cá nhân có điểm “yêu tiền” cao giành trung bình 29 phút/ngày cho các ứng dụng tài chính trên smartphone, trong khi những người có điểm số thấp chỉ dành 15 phút mỗi ngày cho các ứng dụng trên.
Mức độ yêu tiền cũng thay đổi theo tuổi. Người trẻ thường yêu tiền hơn là cha mẹ, ông bà của họ. Khoảng 67% thanh niên trưởng thành vào khoảng năm 2000 đạt điểm cao trong khảo sát, trong khi chỉ 35% thế hệ sống qua thời Thế chiến thứ hai đạt điểm cao.
Cũng theo khảo sát, chuyện bạn giàu bao nhiêu không quan trọng. State Street không tìm ra mối tương quan giữa tình yêu tiền bạc và mức độ giàu có. Duncan cho hay đây là câu chuyện về kết nối cảm xúc của bạn với tiền bạc, không phải việc bạn có bao nhiêu trong tài khoản.
Bảng khảo sát của State Street gồm 15 câu hỏi dựa trên nghiên cứu của Giáo sư Thomas Li-Ping Tang tại Đại học Middle bang Tennessee, người chuyên về tâm lý kinh tế.
Đây là mẹo mà Duncan đưa ra: Bạn nên tập trung vào mục tiêu, không phải là bảng thu nhập đứng sau nó. “Nếu chúng ta tập trung vào mục tiêu, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các cá nhân làm điều đó có thời gian thoải mái hơn nhiều trên hành trình chạm tới mục tiêu tài chính”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.