(TNO) Căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ không được giải quyết nhưng có thể hạ nhiệt trong năm 2015, một phần là vì giá dầu giảm, các chuyên gia nhận định.
Căng thẳng biển Đông leo thang khi Trung Quốc hồi tháng 5.2014 kéo giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam - Ảnh: Reuters
|
Robert Farley, giáo sư thuộc Đại học Kentucky, nhận định: “Giá dầu tiếp tục giảm sẽ khiến cho việc khai thác năng lượng trên biển Đông đem lại ít lợi nhuận, điều này có thể dẫn đến giảm căng thẳng trong khu vực”, theo tờ The Philippine Star (Philippines) ngày 6.1.
Giáo sư Dingding Chen thuộc Đại học Macau (Macau) nhất trí với nhận định của ông Farley, cho rằng có một sự tương quan giữa giá dầu và căng thẳng ở biển Đông.
“Mặc dù giá dầu giảm sẽ khiến cho việc thăm dò và khai thác dầu mỏ ở biển Đông không sinh lợi nhuận nhiều, nhưng giảm khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với nước này trong một giai đoạn ngắn”, ông Chen nói.
Trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc, ông Nicholas Khoo dự báo quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ và đồng minh Philippines sẽ phần nào làm “mềm hóa” sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Ông Khoo cho rằng Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa Philippines và Mỹ mới vừa được ký kết trong năm 2014 phần nào kiềm hãm Bắc Kinh.
“Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay kể từ khi EDCA được ký kết hồi tháng 4.2014, các tàu hải quân Trung Quốc tránh xa và không quấy rối tàu của Hải quân Philippines tại khu vực tranh chấp trên biển Đông”, ông Khoo cho hay.
Ông Khoo lưu ý: “Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng bàn về ý tưởng biến 2015 trở thành năm hợp tác hàng hải Trung Quốc-ASEAN”. Động thái này cho thấy có khả năng Trung Quốc và ASEAN sẽ đạt được thỏa thuận và đưa ra một Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông trong năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Khoo, vẫn còn nhiều câu hỏi cần có lời giải đáp trong năm 2015.
Phiên tòa quốc tế phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc dự kiến sẽ có kết quả vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Manila kiện tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả biển Đông. Nhưng Bắc Kinh nhiều lần khẳng định không tham gia phiên xét xử này.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) trong báo cáo nhận định vẫn có nguy cơ 50-50 xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và một trong số những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với nước này trên biển Đông.
Bắc Kinh ngày 5.1 ngang nhiên cho tàu tiếp tế Tam Sa 1 thực hiện chuyến hải hành đầu tiên từ tỉnh Hải Nam đến các đảo ở biển Đông, trong đó có những đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN, nhằm củng cố nỗ lực của Trung Quốc bảo vệ “lãnh thổ xanh” và cái gọi là lợi ích của nước này ở biển Đông.
Bình luận (0)