Áp lực kinh tế, cô lập đối với Nga sẽ ra sao trong năm 2023?
Xung đột ở Ukraine đã khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và phương Tây kể từ sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 tiếp tục xuống mức thấp hơn. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga đối với Crimea cũng như bất cứ khu vực nào của Ukraine mà Moscow sáp nhập.
Lập trường của phương Tây là ủng hộ Ukraine “khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng không muốn trực tiếp tham chiến hoặc đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường. Trước khi xung đột nổ ra, phương Tây ủng hộ việc giải quyết căng thẳng ở vùng Donbass thông qua các thỏa thuận Minsk. Trong khi đó, Nga cực lực phản đối việc NATO mở rộng về phía đông, cho rằng đây là nguy cơ an ninh quốc gia đối với Nga và muốn Ukraine tiếp tục đứng ở vị trí trung lập.
Các cường quốc phương Tây và đối tác của họ đã tiến hành nhiều nỗ lực để tăng cường sức mạnh cho Ukraine, đồng thời bóp nghẹt nền kinh tế Nga và cô lập Moscow trên trường quốc tế. Tính đến tháng 2.2023, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine tổng cộng hơn 50 tỉ USD, bao gồm việc cung cấp các loại vũ khí tối tân, chẳng hạn như hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), máy bay trực thăng, máy bay không người lái và xe tăng. Một số đồng minh NATO cũng cung cấp viện trợ tương tự, nổi bật là việc Đức đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard.
Vũ khí của phương Tây đã giúp Ukraine duy trì khả năng chiến đấu và trong nhiều trường hợp đã làm thay đổi thế trận theo hướng có lợi cho lực lượng của Kyiv. Phương Tây thậm chí đang cân nhắc cung cấp cả chiến đấu cơ cho Kyiv, động thái mà nếu diễn ra sẽ có thể khiến xung đột leo thang khó lường.
Tổng thống Nga Putin và các quan chức cấp cao của Moscow đã liên tục cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc họ trực tiếp tham chiến, đồng thời đe dọa leo thang chiến sự, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân. Những tuyên bố từ Moscow đã khiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân tăng lên mức cao nhất kể từ Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, cũng như dẫn đến những câu hỏi như liệu chiến tranh thế giới thứ ba có xảy ra hay không.
Giới chức Nga không ít lần cáo buộc Mỹ và phương Tây tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm” ở Ukraine, muốn thay đổi chế độ ở Moscow, thậm chí muốn tiêu diệt nước Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nói phương Tây đã đẩy quan hệ với Moscow đến “điểm không thể quay đầu” bằng việc ủng hộ Kyiv.
Trong khi đó, chính sách trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga đã được mở rộng rất nhiều, bao trùm hầu hết các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng và công nghệ của nước này, đồng thời nhắm vào tài sản của các tài phiệt giàu có cũng như các cá nhân khác. Mỹ và một số chính phủ châu Âu cũng loại một số ngân hàng Nga ra hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga và đưa ngân hàng trung ương của Nga vào danh sách đen.
EU đã thông qua 9 gói trừng phạt đối với Moscow và đang cân nhắc gói thứ 10, trong đó nổi bật nhất là việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. G7, EU và các đồng minh cũng nhất trí áp trần giá đối với dầu Nga. Những biện pháp này chủ yếu nhằm cắt giảm nguồn thu của Nga, làm suy yếu ngân sách mà nước này sử dụng cho hoạt động quân sự ở Ukraine.
Đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã tung ra nhiều biện pháp, bao gồm cắt giảm thậm chí dừng hẳn dòng chảy khí đốt đến các nước châu Âu, cũng như lên kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Lá bài năng lượng của Moscow đã gây chia rẽ trong EU khi nhiều nền kinh tế thành viên, bao gồm những đầu tàu như Đức, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Bình luận (0)