Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Sau khi Grab gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014 và thâu tóm Uber vào 2018 thì thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam từ 2018 trở nên sôi động với nhiều cái tên như GoViet, be, FastGo, Vato, Aber, MyGo, MLV, Go-ixe, Xelo, Ahamo, BAEMIN... Mặc dù là miếng bánh béo bở nhưng thị trường gọi xe công nghệ chưa bao giờ “dễ ăn”. Sau hai năm, nhiều cái tên trong số này đã trở nên mờ nhạt, thậm chí không còn xuất hiện trên đường phố… Đến nay bộ 3 công ty gọi xe đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chỉ còn là Grab, GoViet và be.
Với lợi thế là người tiên phong trên thị trường khi hoạt động tại Việt Nam đã 5 năm cùng nguồn vốn hùng hậu Grab đang tạm nắm giữ vị trí đầu bảng. Hiện tại, ngoài mảng vận chuyển Grab đã đi được một quãng đường rất xa trên hành trình trở thành một siêu ứng dụng.
Lăn bánh vào tháng 12.2018, đến nay “be” gần như hoàn chỉnh được một ứng dụng gọi xe với hai bánh, bốn bánh, giao hàng, đi chợ hộ, đi tỉnh hai chiều, thuê theo giờ, đặt hộ chuyến xe… Tuy nhiên, hiện tại nguồn vốn đổ vào ứng dụng “be” vẫn là một ẩn số với giới đầu tư.
Trong khi đó, sau gần 2 năm xuất hiện GoViet vẫn duy trì hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood) với hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng, phần lớn trong số đó là các cửa hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tuy nhiên dù phát triển mạnh mảng giao đồ ăn, nhưng phần gọi xe lại yếu thế khi chưa có giấy phép xe bốn bánh và vẫn chỉ có một phương thức thanh toán là tiền mặt.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường gọi xe công nghệ ít nhiều cũng đã bị ảnh hưởng dẫn đến Grab với tiềm lực mạnh mẽ, cũng phải tuyên bố cắt giảm 5% nhân sự toàn vùng, tương đương 360 người phải thôi việc.
Thay đổi là yếu tố cần thiết
Trước cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, GoViet vừa công bố sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam.
GoViet với sứ mệnh ban đầu là địa phương hóa dịch vụ gọi xe của tập đoàn Gojek nên mới đặt tên và màu đỏ làm chủ đạo. Tuy nhiên, với việc thay đổi chính sách, hợp nhất tất cả các thương hiệu ở các nước lại, về chung một cái tên Gojek, tất cả dịch vụ cũng sẽ gộp chung lại một app, giống như Grab đã làm trước đây. Nghĩa là người dùng Việt Nam giờ sang Singapore, Thái Lan cũng mở app Gojek lên gọi xe được.
Đối với thị trường Việt Nam, trong hai năm qua, GoViet đã có sự phát triển đáng kể và đạt được lượng người dùng ngày một gia tăng. Lần hợp nhất này coi như là tăng thêm sức mạnh, gia cường những mảng còn yếu tại thị trường Việt Nam như là gọi xe ô tô, thanh toán không tiền mặt…
Gojek Việt Nam cũng bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức, nguyên Giám đốc Vận hành và cũng là đồng sáng lập GoViet từ những ngày đầu thành lập trở thành Tổng giám đốc Gojek Việt Nam.
|
Chia sẻ về quyết định này, ông Andrew Lee, Giám đốc các thị trường quốc tế của Gojek, cho biết: “Ông Phùng Tuấn Đức là người sẽ lãnh đạo việc thực hiện chiến lược mang tính địa phương hóa cao của Gojek tại thị trường Việt Nam và tiếp tục định hình việc phát triển sản phẩm. Không có ai phù hợp hơn ông Phùng Tuấn Đức, người đồng sáng lập GoViet vào năm 2018, để dẫn dắt Gojek Việt Nam tiến lên. Chúng tôi chúc ông Đức luôn thành công trong vai trò mới”.
Về phía Grab, đơn vị này vẫn đang định hướng phát triển hệ sinh thái 'siêu ứng dụng' để thông qua Grab người dùng có thể giải quyết được mọi nhu cầu hằng ngày, từ gọi xe cho đến đi siêu thị trực tiếp trên ứng dụng hoặc thanh toán tiền điện, nước một cách nhanh chóng qua ví điện tử của mình.
Với sự thay đổi này, nhiều người dùng kỳ vọng thị trường xe công nghệ Việt Nam sẽ tăng thêm động lực cạnh tranh, thúc đầy các doanh nghiệp hoàn thiện cơ cấu, tăng cường khuyến mãi và mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng.
Bình luận (0)