Thanh tra tỉnh phát hiện Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh thu tiền bất thường của các chủ tàu nhưng cho rằng chỉ là “thu hộ”. Trong khi đó phía “được thu hộ” khẳng định họ hoàn toàn không biết gì.
Các chủ tàu du lịch tại cảng tàu Bãi Cháy phản ánh họ phải sử dụng thiết bị kém hiệu quả lại còn bị cảng vụ “làm luật” suốt từ năm 2013 đến nay - Ảnh: Linh Linh |
Dự án quản lý hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long bằng thiết bị định vị GPS và thiết bị thông tin liên lạc (VHF) do Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh làm chủ đầu tư, được triển khai năm 2011. Dự án có tổng mức đầu tư 12 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách hơn 2,9 tỉ (phần hạ tầng chung), phần còn lại do các chủ tàu tự mua sắm thiết bị lắp cho 500 tàu du lịch.
Theo quy định, các tàu du lịch buộc phải có các thiết bị trên để đảm bảo việc quản lý, an toàn trong vận tải khách du lịch tham quan. Không có bất cứ quy định nào buộc chủ tàu phải đóng tiền phí bảo trì thiết bị cho cảng vụ.
Bị thanh tra, vội trả lại tiền
Nhiều chủ tàu du lịch phản ánh, hệ thống GPS và VHF ngay từ khi đi vào hoạt động đã bộc lộ kém hiệu quả, thiết bị trên nhiều tàu liên tục mất tín hiệu.
Anh N.H.K, chủ 3 tàu du lịch hoạt động theo giờ, phản ánh tàu của anh thường xuyên bị mất tín hiệu, nên không thể giám sát. Tương tự, ông B.V.L, giám đốc một công ty có 4 tàu ngủ đêm, cũng nói: “Hệ thống VHF chẳng có tác dụng, nhiều tàu có thiết bị cũng như không”. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thường xuyên có khoảng 200 tàu mất tín hiệu GPS, thậm chí có tàu mất tín hiệu từ năm 2014 tới nay.
Trong khi đó, nhiều chủ tàu khẳng định từ năm 2013 đến nay hằng năm các tàu phải nộp khoản tiền bảo trì GPS từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/tàu cho 2 nhân viên của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh là ông Trần Duy Hải và Tô Sĩ Hà.
Cũng theo các chủ tàu, sau khi UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết bị GPS và VHF nói trên (tháng 9.2015) thì trong hai ngày (10 và 11.9.2015), họ được cảng vụ trả lại số tiền đã thu của năm 2015.
“Cán bộ Cảng vụ đạo diễn hết”
Ngày 3.11, tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, đại diện Thanh tra tỉnh vẫn cho rằng cán bộ cảng vụ không “làm luật” mà chỉ thu hộ hai doanh nghiệp có hợp đồng bảo trì với chủ tàu.
Trước đó ngày 9.10, Thanh tra tỉnh cũng khẳng định như vậy tại báo cáo gửi UBND tỉnh sau khi kết thúc đợt thanh tra, nhưng đã bị hai doanh nghiệp liên quan “phản pháo” ngay sau đó. Cụ thể, thanh tra khẳng định có việc mỗi năm các chủ tàu phải nộp tiền duy trì hoạt động thiết bị từ 900.000 - 1,2 triệu đồng cho cán bộ cảng vụ (từ 2013 - 2015), nhưng cán bộ cảng vụ chỉ “thu hộ” Công ty cổ phần phát triển công nghệ phần mềm mạng NTSoft (thu năm 2013, 2014) - doanh nghiệp ký hợp đồng lắp đặt thiết bị GPS trên tàu và Công ty TNHH Hoàng Đàn 68 (năm 2015), do hai công ty không có người thường xuyên ở bến cảng Bãi Cháy nên nhờ cán bộ Phòng Pháp chế - an toàn của cảng vụ nhận hộ tiền. Cảng vụ không chỉ đạo và không thu bất cứ khoản tiền phí dịch vụ nào từ các chủ tàu du lịch.
Báo cáo này đã bị Công ty NTSoft lập tức phản ứng. Theo đại diện công ty, tại biên bản làm việc với thanh tra, công ty khẳng định không nhờ tổ chức, cá nhân nào thu hộ khoản tiền bảo trì trong 2 năm 2013 - 2014. Số tiền nhân viên cảng vụ trực tiếp thu (khoảng 600 triệu đồng) từ các chủ tàu, công ty không liên quan. Tương tự, Công ty Hoàng Đàn 68 cũng khẳng định chỉ ký hợp đồng và cấp hóa đơn cho 7 chủ tàu với số tiền khoảng hơn 50 triệu đồng, số tiền còn lại (khoảng 140 triệu đồng) công ty không biết do cán bộ cảng vụ trực tiếp thu của các chủ tàu.
Về việc tổ chức trả lại tiền vào hai ngày 10 và 11.9, theo thanh tra là do phía Công ty Hoàng Đàn 68 không đảm bảo việc sửa chữa thiết bị nên các chủ tàu yêu cầu công ty hoàn trả tiền đã thu để chuyển sang sử dụng dịch vụ của đơn vị khác. Trong khi đó, Công ty Hoàng Đàn 68 không hề lắp đặt, bảo hành thiết bị GPS với các chủ tàu. Ông Hoàng Ngọc Giáp, Giám đốc Công ty Hoàng Đàn 68, nói chỉ đứng ra nhận hộ cảng vụ khoản tiền thu “trái luật” năm 2015, vì ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Pháp chế - an toàn, có “nhờ giúp đỡ”.
“Việc tổ chức trả lại khoản tiền đã thu của các chủ tàu do cảng vụ đạo diễn. Tôi chỉ đến ngồi cho có, việc viết giấy trả tiền đều do cán bộ cảng vụ làm”, ông Giáp nói.
Có thể phải đề nghị công an vào cuộc
Điều đáng nói, cũng trong báo cáo của Thanh tra tỉnh, mặc dù thừa nhận hệ thống GPS phát sinh nhiều lỗi, nhiều tàu thường mất tín hiệu nhưng lại đưa ra nhận định hệ thống này “hoạt động khá tốt”. Ngoài ra, trong khi UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra số tiền mỗi năm tỉnh chi cho cảng vụ để duy trì hệ thống quản lý GPS và VHF từ 1,2 - 1,4 tỉ đồng suốt từ 2012 đến nay và cảng vụ đã sử dụng nguồn tiền này ra sao thì Thanh tra tỉnh lại phớt lờ không đề cập đến.
Ngày 7.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết đầu tuần này sẽ yêu cầu Thanh tra tỉnh báo cáo cụ thể. "Từ đó mới có căn cứ để xử lý vụ việc. Thậm chí, có thể phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc để điều tra", ông Hậu nói.
|
Bình luận (0)