Cảnh báo các bệnh, tai nạn ở trẻ dịp hè

07/06/2020 04:02 GMT+7

Mùa hè cũng là mùa gia tăng các bệnh ở trẻ, từ bệnh theo mùa đến bệnh do thời tiết . Bên cạnh đó cần lưu ý trông nom để tránh các tai nạn với trẻ thời gian này.

Trẻ lớn cũng mắc viêm não Nhật Bản

PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết những tuần qua, BV này tiếp nhận các bệnh nhi nhập viện do viêm não.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm não như: vi rút Herpes, vi rút viêm não Nhật Bản (VNNB), viêm não sau mắc tay chân miệng (do vi rút đường ruột), sau mắc sởi, thủy đậu.
Theo PGS-TS Điển, mùa hè, từ tháng 6 - 8 thường gia tăng ca mắc VNNB. Bệnh thường gây nặng do nhiễm trùng thần kinh, tỷ lệ tử vong cao và có thể khiến trẻ bị di chứng nặng nề (yếu hoặc mất chức năng vận động, chậm nhận biết). Mỗi năm, tại BV Nhi T.Ư ghi nhận khoảng 20 - 25 ca VNNB. Bệnh thường tấn công trẻ dưới 15 tuổi. Nhiều năm qua, vắc xin VNNB đã được tiêm miễn phí cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, với 3 mũi cơ bản chỉ định cho trẻ 2 - 3 tuổi. “So với trước đây, hiện trẻ dưới 5 tuổi mắc VNNB đã giảm nhiều nhờ tiêm vắc xin. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện các bệnh nhi mắc VNNB là trẻ lớn 7 - 10 tuổi. Các gia đình cần cho con tiêm đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả. Cần cho trẻ lớn (5 - 15 tuổi) tiêm nhắc lại theo hướng dẫn, đảm bảo trẻ được bảo vệ lâu dài”, PGS-TS Điển khuyên.
Theo thống kê của Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi T.Ư, trung tâm này tiếp nhận gần 100 trẻ mắc viêm não nhập viện trong 5 tháng đầu năm nay, trong đó có 15 ca do vi rút Herpes, 3 ca VNNB, và các nguyên nhân khác.
Các triệu chứng viêm não điển hình như: sốt cao, đau đầu, nôn vọt (trẻ thường nôn mà không liên quan đến bữa ăn). Trẻ cũng kèm theo rối loạn ý thức như rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê, có thể sốt kèm cơn co giật.

Cảnh báo bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa mưa ở trẻ - Video tư liệu

Khuyến cáo các bệnh, tai nạn ở trẻ

Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết vào mùa hè thường xuất hiện 2 nhóm bệnh: nhóm bệnh theo mùa - sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu... kéo dài tháng 6 - 7. Nhóm thứ 2 là những bệnh do thời tiết: bệnh đường hô hấp, sốt siêu vi...
Theo BS Khanh, về triệu chứng nhiễm Covid-19 trên người lớn thì rất đặc hiệu, đau họng rất nhiều, mất vị giác... Còn trẻ em không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ sổ mũi, ho... Do vậy, ở trẻ em khi có các biểu hiện ho, sổ mũi… nếu nghi ngờ Covid-19 thì phải điều tra dịch tễ. BS Khanh cũng khuyến cáo, mùa hè người lớn và trẻ em cũng cần phòng bệnh cho mình, ngoài giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa, nên tiêm phòng những bệnh đã có vắc xin. Người cao tuổi nên tiêm vắc xin cúm; trẻ em nên tiêm thủy đậu, sởi, quai bị, rubella... trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí).
BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), lưu ý thêm mùa hè trẻ không đi học nên ở nhà và về quê, vì thế thường xảy ra các tai nạn thương tâm: đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tủ ngã đè, uống nhầm hóa chất, bỏng nước sôi, điện giật... Do vậy, cần có người trông trẻ nhỏ cẩn thận; đồ đạc trong nhà dọn dẹp gọn gàng, các loại hóa chất để xa tầm tay trẻ...

Cách nhận biết và phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả - Video tư liệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.