Cảnh báo 'dịch nhiễm khuẩn bệnh viện': Thế giới có hơn 50.000 vụ, Việt Nam thì sao?

Duy Tính
Duy Tính
12/04/2018 14:59 GMT+7

Theo PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, trong cộng đồng xuất hiện các dịch như cúm A/H5N1, H7N9, SARS, MERS-CoV… Tuy nhiên, còn một loại dịch nữa xuất phát từ trong bệnh viện, đó là dịch nhiễm khuẩn bệnh viện xuất phát từ bệnh nhân và bệnh viện.

Một khái niệm khá mới nhưng là vấn đề khá nghiêm trọng, nó đang diễn ra phổ biến tại các bệnh viện (BV) được PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy đưa ra tại Hội nghị thường niên Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy năm 2018 diễn ra vào ngày 12.4, đó là “dịch nhiễm khuẩn bệnh viện” (gọi tắt là dịch NKVB).
Thế giới đã có 50.000 vụ dịch NKBV
Cảnh báo “dịch nhiễm khuẩn bệnh viện”1
Dụng cụ thủ thuật nếu không được khử khuẩn tốt thì đó là nguồn lây nhiễm bệnh Ảnh: Duy Tính
Theo PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, trong cộng đồng xuất hiện các dịch như cúm A/H5N1, H7N9, SARS, MERS-CoV… Tuy nhiên, còn một loại dịch nữa xuất phát từ trong BV, đó là dịch NKBV xuất phát từ bệnh nhân và BV. Và Việt Nam rất ít nói về dịch này, đây gần như là từ mới.
PGS-TS-BS Thư cho rằng, dịch NKBV được định nghĩa là khi xuất hiện một bệnh vượt mức tần suất mong đợi trong một khu vực địa lý và trên một nhóm người.
“Theo y văn, thế giới đã có 50.000 vụ dịch NKVB đã được báo cáo. Báo cáo đầu tiên vào năm 1959 và nó được mô tả xảy ra chính trong BV, lây nhiễm chéo trong BV”, PGS-TS-BS Thư nói và cho biết thêm rằng, khi một vụ dịch NKBV xảy ra, đến khi công chúng biết thì uy tín BV giảm rất rõ và thậm chí có trường hợp phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 50% vụ dịch vi khuẩn tìm ra nguyên nhân, nhưng tác động của dịch NKBV rất lớn, nó làm tăng tần suất mắc bệnh và đồng thời tăng tỉ lệ tự vong, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị.
“Những vụ dịch NKBV thường liên quan đến những sai sót trong thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản, môi trường BV, phòng mổ không đảm bảo…”, PGS-TS Thư phân tích. Do vậy, theo PGS-TS Thư thì cần phải quan tâm đến những nguyên tắc về vô khuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn. Cần phát hiện ca bệnh nhiễm khuẩn càng sớm càng tốt để ngăn chặn ca bệnh tăng lên, tìm ra nguồn nhiễm - nguồn lây truyền và tiền hành kiểm soát trước khi điều tra dịch tễ.
Theo PGS-TS-BS Thư, khi phát hiện ca bệnh nhiễm khuẩn thì cần cách ly bệnh nhân, hạn chế đi lại trong khu vực có bệnh, chỉ định nhân viên y tế riêng chăm sóc cho người bệnh nếu được, lấy và lưu giữ bệnh phẩm. Giả thiết nhiễm khuẩn từ đâu thì thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn tại đó. Như dựa vào đặc điểm vi khuẩn gây bệnh có thể nhận định vi khuẩn A.Baumannii lây lan từ môi trường, người; vi khuẩn P.Aeruginosa, Nontuberculosis Mycobacteria lây từ nguồn nước; liên cầu tan máu nhóm A lây lan từ người…
Những vụ dịch NKBV hàng loạt tại Việt Nam
PGS-TS-BS Thư đã điểm qua nhiều vụ nhiễm khuẩn hàng loạt tại Việt Nam. Từ tháng 3 đến tháng 4.2013, tại BV H.G, có 92 bệnh nhân mổ nội soi, sau khi ra viện vết mổ bình thường. 20 ngày sau các ca bệnh xuất hiện nhiễm khuẩn vết mổ, cùng một triệu chứng: 1-2 khối sưng gần sẹo mổ hoặc cách vài cm, hơi đau, sau đó xuất hiện ít dịch. Khi tách mép vết mổ nặn ra dịch đục giống như bệnh nhân dị ứng chỉ, thế nên ban đầu bệnh nhân được điều trị như dị ứng chỉ là làm sạch vết rò và dùng kháng sinh thông thường. Bệnh nhân chỉ đỡ trong lúc dùng thuốc, sau đó lại rò dịch hoặc xuất hiện thêm khối u đau mới. Kết quả cấy vi khuẩn cho thấy có 40/92 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Nontuberculosis Mycobacteria (đây là loại vi khuẩn kháng gần như tất cả kháng sinh thế hệ mới). Nguyên nhân nhiễm khuẩn được xác định là do dụng cụ phẫu thuật BV ngâm hóa chất và hóa chất này bị nhiễm khuẩn. Sau đó Bộ Y tế đã bắt buộc dụng cụ nội soi phải tiệt khuẩn, không được ngâm hóa chất.
Tháng 7.2017, có 80 trẻ ở H.Y bị sủi mào gà do thực hiện thủ thuật nong da quy đầu tại phòng khám tư nhân nhưng dụng cụ không được khử khuẩn nên nhiễm khuẩn và lây lan.
Tháng 11.2017, tại BV S-N B.N có 19 trẻ với biểu hiện xuất huyết não, tim to, bụng trướng, vàng da ứ mật… được chuyển về BV Nhi T.Ư và BV Bạch Mai và BV phụ sản T.Ư điều trị. Kết quả cấy vi khuẩn cho thấy các bé bị nhiễm khuẩn huyết do A.Baumannii. Đã có 4 trẻ tử vong. Vi khuẩn này được tìm thấy trên các lồng ấp trẻ tại BV.
Năm 2017 BV Chợ Rẫy phân lập được 12.273 chủng vi khuẩn, trong đó có 5 chủng thường gặp nhất và kháng kháng thuốc nhiều nhất lần lượt là: Acinetobacter baumannii (22,1%), Escherichia coli (19.2%), Staphylococcus aureus (15,3%), Klebsiella pneumonia (13,4%) và Pseudomonas aeguginosa (8,1%).
Theo nhận định của BV Chợ Rẫy, vi khuẩn kháng thuốc và gien kháng thuốc của vi khuẩn có thể lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác trong cộng đồng, các dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu, các BV… Sự lây lan của những vi khuẩn này có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng lên trên bệnh nhân và hệ thống y tế.
GS-TS Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết nhiễm khuẩn BV là một chương trình rất lớn của Chính phủ, Bộ Y tế và các BV đều quan tâm. Nói đến nhiễm khuẩn là nói đến vi trùng; nói đến kinh tế bệnh nhân, bệnh viện; kéo dài ngày điều trị và số tiền ngốn rất lớn, đặc biệt là chi phí dành cho kháng sinh.
Tại các nước phát triển, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 5-15%, tại các khoa hồi sức - cấp cứu từ 9-37%. Tại Việt Nam, kết quả của một số cuộc điều tra cắt ngang của các BV đa khoa tuyến tỉnh ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 4,2-8,1%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.