Cảnh báo gãy liên mấu chuyển xương đùi người già

20/03/2017 08:00 GMT+7

Ngày 4.3, bệnh nhân Nguyễn Văn Thanh (90 tuổi, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) xuất viện sau 8 ngày điều trị, sau khi được phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, với vết mổ khô, ăn uống được, thể trạng chung tốt dần.

Phương pháp ưu việt

Trước đó, hôm 23.2, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân này bị té ngã, đau 2 khớp háng, không đi lại được. Phòng cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng nhanh chóng chuyển bệnh nhân về khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Thần kinh để xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh.

Sau khi hội chẩn, bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi hai bên phải và trái, kèm theo bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, lao phổi cũ, tràn dịch màng tim, lão suy, suy kiệt. Tiên lượng rất nặng, hội đồng chuyên môn và người nhà thống nhất phẫu thuật điều trị.

Bác sĩ CK2 Phan Phú Kiểm, Phó giám đốc phụ trách Ngoại khoa - chuyên khoa Cơ xương khớp trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ: “Tôi từng thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi song trường hợp của bệnh nhân Thanh rất hiếm gặp, vừa gãy liên mấu chuyển xương đùi 2 bên lại kèm các bệnh nặng, mổ gây mê rất khó khăn, nhưng không mổ sẽ bất động, nằm trên giường lâu ngày dễ loét, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, suy kiệt dần”.

Cũng theo bác sĩ Kiểm, điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể mổ kết hợp xương bằng nẹp vít hay thay khớp. Gần đây, phương pháp kết hợp xương bằng nẹp DHS và phẫu thuật thay chỏm xương thường được chỉ định. Sau mổ, bệnh nhân giảm đau do ổ gãy đã được bất động, tập phục hồi chức năng sớm như vận động, xoay trở, ngồi dậy, đi lại để phòng biến chứng nằm lâu ngày trên giường (không mổ, bất động bằng bột). Hằng tháng, khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Thần kinh tiếp nhận điều trị khoảng 5 ca gãy liên mấu chuyển xương đùi, hầu hết ở người già.

Ngày nay phương pháp cố định ổ gãy bằng nẹp hay bột hầu như ít được áp dụng vì bệnh nhân nằm cố định lâu trên giường dẫn đến biến chứng loét vùng xương cùng - cụt, loét mông, nhiễm trùng tiết niệu, viêm phổi.

Với bệnh nhân Thanh, bệnh nhân được phẫu thuật 2 bên cùng lúc: mổ bắt nẹp DHS bên trái và thay chỏm xương đùi bên phải. Sau hồi tỉnh, bệnh nhân được chăm sóc hô hấp và phục hồi chức năng tích cực như: hỗ trợ ngồi dậy trên giường, vỗ phổi, xoay trở chống loét, truyền đạm nên giảm đau nhiều so với trước mổ, phục hồi nhanh.

Hình ảnh phim chụp: Bắt nẹp vít DHS bên trái
Hình ảnh phim chụp: Bắt nẹp vít DHS bên trái
Hình ảnh phim chụp: Thay chỏm xương đùi bên phải
Hình ảnh phim chụp: Thay chỏm xương đùi bên phải

Phòng ngừa gãy xương người già

Theo thống kê, gãy liên mấu chuyển xương đùi chiếm phổ biến 55% trong các loại gãy xương đầu trên xương đùi, người già trên 60 tuổi thường bị và tỷ lệ nữ mắc cao gấp 2-3 lần nam giới.

Nguyên nhân gãy xương người già chủ yếu do tai nạn sinh hoạt: ngã ở nhà vệ sinh, leo ghế thắp hương, thay quần, tai nạn giao thông… Khi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi bệnh nhân không đứng dậy được, vận động háng rất đau, chân gãy ngắn hơn chân lành, bàn chân đổ xoay ngoài.

Gãy xương đùi người già là chấn thương nặng, gây hậu quả rất xấu. Vì vậy, cần quan tâm sức khỏe, chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ loãng và gãy xương, đồng thời cần đến bệnh viện kiểm tra định kỳ độ loãng xương để kịp thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như lượng calcium và vitamin D cần thiết. Gia đình cần dành nhiều sự chú ý với người già, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết. Nhà cửa cần khô ráo, đủ ánh sáng, trang bị tay vịn, lan can, giá đỡ ở những nơi ẩm ướt như nhà vệ sinh, cầu thang, sân, không mang dép xốp, trơn... Khi bị gãy xương vùng háng, đặc biệt gãy cổ xương đùi, nạn nhân cần được sớm đưa đến bệnh viện xử lý kịp thời.

Tay vịn đơn giản ngừa té ngã trong nhà vệ sinh BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng
Tay vịn đơn giản ngừa té ngã trong nhà vệ sinh BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.