Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy khu vực 10 tỉnh Bắc bộ.
Theo cơ quan này, thời gian qua, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc bộ liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đá đã bão hòa, lũ trên các sông đã xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất ngay cả khi không mưa.
Trong 6 giờ tới, có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại 53 huyện thuộc 10 tỉnh Bắc bộ. Cụ thể: Sơn La (các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên), Hòa Bình (Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, TP.Hòa Bình), Lào Cai (Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, TP.Lào Cai, TX.Sa Pa).
Kinh hoàng sau bão Yagi: 352 người chết và mất tích, sạt lở đe dọa khắp miền Bắc
Yên Bái (Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình); Hà Giang (Bắc Quang, Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh), Tuyên Quang (Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP.Tuyên Quang).
Bắc Kạn (Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới); Phú Thọ (Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập), Thái Nguyên (Đại Từ, Định Hóa), Bắc Giang (Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hòa).
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 13.9 đến 14 giờ ngày 14.9), khu vực Bắc bộ đã có mưa từ 20 - 50 mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 3 - 6 giờ tới, Bắc bộ có mưa với lượng mưa từ 5 - 15 mm, có nơi trên 40 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy là cấp 1.
Đề cập đến tác động của lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm 345 người chết, mất tích (262 người chết, 83 người mất tích), tăng 9 người. Trong đó, Quảng Ninh tăng 10, Thanh Hóa tăng 1, Yên Bái tăng 5, Lào Cai giảm 7 người.
Tính đến nay, Lào Cai có 172 người chết và mất tích (111 người chết, 61 người mất tích), Yên Bái 55 người (53 người chết, 2 người mất tích), Cao Bằng 52 người (43 người chết, 9 người mất tích).
Quảng Ninh có 25 người chết do bão, Hải Phòng 2 người chết do bão, Hải Dương 1 người chết do bão, Hà Nội 1 người chết do bão, Phú Thọ 11 người (1 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do lũ, 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu, 1 người mất tích do lũ).
Tại Hòa Bình, 7 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang 2 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang 5 người chết do lũ; Hà Giang 2 người (1 người chết, 1 người mất tích); Lai Châu 1 người chết do sạt lở đất; Vĩnh phúc 2 người chết do lũ; Sơn La 1 người mất tích do lũ cuốn; Thái Nguyên 2 người chết do lũ; Thanh Hóa 1 người chết do lũ cuốn.
Phú Thọ đề nghị xây cầu Phong Châu mới, kinh phí 865 tỉ đồng
Tổng số nạn nhân bị thương đã lên tới 1.908 người, trong đó Quảng Ninh 1.609, Hải Phòng 49, Hải Dương 5, Hà Nội 23, Bắc Giang 12, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 82, Yên Bái 31, Cao Bằng 17, Phú Thọ 7, Bắc Kạn 4, Hòa Bình 2, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hóa 2.
Số nhà cửa hư hỏng là 168.253 nhà (tăng 31.548 nhà); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại. 73.248 nhà bị ngập (tăng 5.595 nhà), tập trung tại Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai…
Thiệt hại về nông nghiệp cũng rất lớn, với 183.394 ha lúa, 44.071 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại. 23.661 ha cây ăn quả bị hư hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 9.079 con gia súc, 1.956.449 con gia cầm bị chết…
Bình luận (0)