Trường tiểu học Yên Ninh (TP.Yên Bái) có 2 điểm trường. Trận lũ lụt do hoàn lưu cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại cả 2 điểm trường. Tại điểm trường thứ 2 ở tổ 1, P.Yên Ninh (TP.Yên Bái), nước ngập cao lên tới trần tầng 1. Toàn bộ thiết bị của các thầy cô giáo đều bị hỏng hóc, sau khi nước rút thì toàn bộ sân trường và lớp học bùn sâu khoảng 60 cm.
Đến chiều 13.9, nhiều thầy cô giáo cùng phụ huynh và người dân vẫn đang tất bật dọn dẹp trường lớp, bàn ghế tại Trường tiểu học Yên Ninh.
Mua nợ máy phát điện để dọn dẹp trường sau lũ lụt ở Yên Bái
Mua "chịu" máy để dọn dẹp trường lớp
Do lượng bùn quá lớn, các thầy cô không thể dọn dẹp bằng tay mà phải đi mua máy hút bùn, bơm nước để có thể xử lý với mục tiêu dọn thật nhanh để học sinh có thể sớm quay trở lại trường.
"Sau ngập thì toàn bộ hệ thống điện chưa được sử dụng vì chưa có điện, chưa có nước. Để có thể bơm nước làm loãng bùn thì trường phải mua máy phát điện, máy bơm, máy hút bùn và dây điện. Chi phí khoảng 60 triệu. Tuy nhiên, chúng tôi phải nợ vì chưa có tiền. Cũng mua chịu ở một cơ sở quen và hứa sẽ cố gắng vận động nhà tài trợ để thanh toán", bà Nguyễn Thị Bình, Hiệu trường Trường tiểu học Yên Ninh, cho biết.
Mua "chịu" được máy, nhưng do điểm trường bị cô lập, thầy cô phải xách máy lội bùn cả km mới đưa máy được tới trường. Cạnh đó, vì chưa có kinh nghiệm sử dụng máy, thầy cô gặp nhiều khó khăn. Ban đầu phải đổi lại đi đổi lại máy do không tương thích. Khi đã có máy bơm nước, do lượng phù sa sông lớn, không hút được nước nên ban đầu phải làm thủ công, kéo bùn bằng tay ra ngoài.
"Một xô bùn đổ cũng quý, làm sao bùn ra khỏi sân trường là chúng tôi cố gắng. Lúc nào cũng hy vọng khắc phục được sớm để học sinh có thể đến trường", bà Bình chia sẻ.
Cách điểm trường bị ngập do lũ lụt khoảng 3 km, điểm trường số 1 cũng bị sạt lở taluy hoàn toàn gây đổ tường rào và nhà để xe, đường điện 3 pha và cổng vào cũng bị hư hỏng.
"Để có thể hoạt động thì nhà trường phải xử lý toàn bộ đất sạt lở ở sân trường, làm lại taluy để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đồng thời, phải xây dựng lại bức tường và khắc phục toàn bộ đường điện 3 pha. Kinh phí ước tính khoảng 200 triệu đồng nên vẫn nhà trường vẫn chưa thể thực hiện", bà Bình nói.
Hàng trăm đoàn viên Yên Bái chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả lũ lụt
Bất chấp nguy hiểm cứu bàn ghế.
Trước đó, khi nắm được thông tin cảnh báo lũ lụt, thầy cô đã chủ động kê bàn ghế lên cao. "Thấy nước lên, chúng tôi huy động được 20 người đến hỗ trợ. Ban đầu, nước mới ngang người, đến lúc chúng tôi đưa được 2/3 số bàn ghế lên tầng 2 thì nước đã ngang cổ. Lúc đó phải tìm đường ra ngoài, may mà có những bạn cao cõng chúng tôi lên vị trí an toàn", bà Bình nhớ lại.
Do nước lên quá nhanh, thầy cô dù đã huy động thêm người thân và phụ huynh nhưng cũng không thể đưa hết tất cả bàn ghế, thiết bị lên tầng 2.
"Để giữ được lại những bộ bàn ghế cho học sinh thì chúng tôi không màng nguy hiểm. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết cứu làm sao được nhiều nhất bàn ghế, thiết bị", bà Bình chia sẻ.
Với sự cố gắng của mình các thầy cô đã đưa được 2/3 số bàn ghế học sinh lên tầng 2. Còn lại 40 bộ bàn ghế 7 bàn làm việc của giáo viên tại lớp học, một số tủ đựng tài liệu và hệ thống loa đài bị ngập nước, hư hỏng.
Người dân Yên Bái vật lộn với bùn dày sau lũ lịch sử: 'Mong mọi người lạc quan'
Cố gắng để học sinh sớm tới trường
Cả 2 điểm trường tiểu học Yên Ninh có 632 học sinh. Chỉ vừa khai giảng được ít ngày thì các em đã phải nghỉ học do lũ lụt và hiện vẫn chưa thể trở lại trường.
Dù nhà cũng bị ảnh hưởng bởi nước ngập, chị Hầu Thị Huy, phụ huynh học sinh lớp 5 Trường tiểu học Yên Ninh, vẫn tạm gác lại việc nhà để chung tay cùng thầy cô dọn dẹp từ những ngày đầu tiên sau lũ lụt với mong muốn cho con mình nhanh được đến trường.
"Tôi chưa bao giờ thấy thiệt hại lớn như thế này, cơn lũ lụt lịch sử tàn phá quá kinh khủng, bản thân tôi khi vào trường nhìn còn xót xa, không thể nào cầm được nước mắt. Thực sự rất là đau lòng vì cơ sở vật chất, sách vở, bàn ghế bây giờ hư hỏng hết", chị Huy bày tỏ.
Theo hiệu trưởng nhà trường, sau khi bị ngập lụt và sạt lở, nhiều lãnh đạo, chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện xã hội cùng tình nguyện viên đã đến, cùng các thầy cô giáo khắc phục hậu quả.
"Mọi người đều rất nỗ lực và có những động viên, chia sẻ đến nhà trường. Đây là nguồn động viên đối để chúng tôi nỗ lực sớm đưa các em học sinh tới trường", bà Bình cho biết.
Bình luận (0)