Cảnh báo ngộ độc do nấm, hoa quả rừng

Liên Châu
Liên Châu
16/02/2023 14:33 GMT+7

Theo số liệu giám sát, mùa xuân và đầu mùa hè thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng nhầm các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên như: nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng....

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, hằng năm vào mùa xuân và đầu mùa hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), có trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa.

Cảnh báo vào mùa ngộ đôc do độc tố tự nhiên  - Ảnh 1.

Nấm độc rất khó phân biệt với nấm ăn an toàn

VFA.GOV.VN

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 278/ATTP-NĐTT ngày 15.3 gửi sở y tế các tỉnh/thành, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL) các tỉnh/thành phố: HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh đề nghị triển khai các nội dung phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên.

Theo đó, các sở, BQL phối hợp với ngành liên quan, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ... chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương, tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. 

Đồng thời, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%

Theo Cục An toàn thực phẩm, các năm qua, các cơ sở y tế đã ghi nhận, điều trị các trường hợp bị ngộ độc do ăn cá nóc, trứng so biển, do nấm độc hoặc một số quả rừng như hồng châu.

Điển hình, tháng 9.2021, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên, với tổng số 18 người mắc, 3 người tử vong. Cụ thể, H.Hoàng Su Phì xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm; H.Mèo Vạc 2 vụ ngộ độc quả hồng châu; H.Đồng Văn 1 vụ ngộ độc quả hồng châu. So với các năm trước đó, tỷ lệ ngộ độc quả rừng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tập trung ở học sinh 4 - 12 tuổi.

Trong năm 2022, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận các ca ngộ độc nặng do ăn nấm dại.

Cơ quan y tế khuyến cáo, thực tế có hàng nghìn loại nấm. Số loại nấm độc không nhiều nhưng để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, người dân thường xuyên nhầm lẫn. Nấm độc gây tử vong thường đẹp, bắt mắt và ngon. Ngộ độc nấm thường xảy ra vào mùa xuân. 

Để phòng ngừa ngộ độc, người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại ăn. Nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng, nhìn rất đẹp và ngon.

Ngộ độc nấm xuất hiện chậm, thường quá 6 giờ sau ăn, khi chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng. Bệnh nhân đến viện muộn, bị tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy thận rất dễ tử vong, tỷ lệ tử vong thường rất cao, tới 50% hoặc hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.