Cùng với vấn đề nhân quyền, có một mối quan ngại khác có thể gây rắc rối cho World Cup 2022 tại Qatar. Đó là những người theo ISIS đang kêu gọi tấn công khủng bố trong thời gian diễn ra giải đấu. Theo tờ La Razon của Tây Ban Nha, một số tín đồ của ISIS đang sử dụng Telegram gửi thông điệp cho mọi người biết rằng họ muốn tấn công các quốc gia tại World Cup năm nay (khởi tranh từ ngày 20.11). Một số thông điệp úp mở hàm ý khủng bố như: “Các chiến dịch dọn dẹp đang diễn ra. Hãy là một phần của World Cup ở Qatar và ghi bàn. Khung thành đã mở”. Theo đó, những người theo dõi này muốn có các hành động khủng bố theo kiểu “bạo lực và sinh học”, vì họ coi đây là “cơ hội vàng” khi có quá nhiều quốc gia thù địch của ISIS đến Qatar trong khoảng thời gian ngắn.
Lực lượng an ninh sẽ kiểm tra gắt gao ở các sân vận động phục vụ World Cup 2022 |
AFP |
Theo nguồn tin trên, bản thân những kẻ khủng bố đang nhắm vào các quốc gia như Bỉ, Canada và Pháp, mặc dù họ không phải là những quốc gia duy nhất được coi là mục tiêu tiềm năng. Hơn nữa, điều này không có nghĩa họ đang đề cập các đội tuyển, mà là những người hâm mộ đến tham dự giải đấu. Trong các kênh Telegram, hai đồ họa thông tin đã được chia sẻ. Phần đầu tiên hiển thị quốc gia thuộc các liên minh được ISIS xem là kẻ thù, trong khi phần thứ hai hiển thị danh sách các đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu.
Qatar đã làm gì để đảm bảo an ninh?
Khoảng 1,2 triệu người hâm mộ dự kiến sẽ đến Qatar trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Vì vậy, nước chủ nhà dự kiến sẽ triển khai hàng chục ngàn lực lượng an ninh để đảm bảo một kỳ World Cup an toàn.
Trong đó, họ đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác an ninh với một số quốc gia. Lực lượng an ninh Qatar cùng với đối tác từ 13 quốc gia trước đó đã tiến hành cuộc diễn tập an ninh kéo dài 5 ngày trên khắp đất nước. Các cuộc tập trận (có sự tham gia của 32.000 nhân viên an ninh chính phủ và 17.000 nhân viên từ lực lượng an ninh tư nhân) nhằm mục đích kiểm tra sự sẵn sàng và khả năng đáp ứng của các dịch vụ khẩn cấp, theo báo giới địa phương. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử hơn 3.000 cảnh sát chống bạo động tới giúp bảo đảm an ninh cho các sân vận động và khách sạn tại Qatar, bên cạnh 100 cảnh sát hoạt động đặc biệt, 50 chuyên gia về bom và 80 chó đánh hơi. Pakistan cũng đồng ý gửi quân đến Qatar để đảm bảo an ninh suốt giải đấu. Tương tự, quốc hội Pháp đã thông qua việc triển khai khoảng 220 nhân viên an ninh tới quốc gia vùng Vịnh. Chủ nhà World Cup 2022 cũng ký một thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ và Ma Rốc, bên cạnh việc Anh cam kết hỗ trợ Doha các kỹ thuật quân sự toàn diện chống lại khủng bố và mối đe dọa khác.
Khi giải đấu đang đến gần, các hoạt động liên quan an ninh ngày càng được gia tăng trên các đường phố của Doha. Một trung tâm chỉ huy tại Doha đã được thiết lập để giám sát các cảnh quay của khoảng 15.000 camera an ninh từ tất cả 8 sân vận động phục vụ World Cup 2022…
Qatar đã triệu tập hàng trăm thường dân, bao gồm cả nhà ngoại giao từ nước ngoài để thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, điều hành các trạm kiểm soát an ninh tại các sân vận động World Cup. Kể từ năm 2014, đàn ông Qatar trong độ tuổi từ 18 - 35 đã được huấn luyện trong quân đội ít nhất 4 tháng như một phần của nghĩa vụ quốc gia qua việc phục vụ sự kiện. Trốn tránh nghĩa vụ có thể bị phạt 1 năm tù và 13.700 USD. Theo Reuters, các lính nghĩa vụ nước chủ nhà đang được huấn luyện để quản lý kiểm soát an ninh tại sân vận động, đám đông CĐV, phát hiện hàng lậu như rượu, ma túy hoặc vũ khí được cất giấu khi đến Qatar…
Bình luận (0)