(TNO) Tại hội thảo quốc gia về “Đầu tư bền vững cho công tác phòng chống sốt rét” tổ chức sáng nay 13.5, Bộ Y tế cho biết toàn quốc hiện có 15 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, nhiều trường hợp mắc sốt rét khi xuất khẩu lao động tại vùng có bệnh.
Đo nhiệt độ, độ ẩm tại điểm nghiên cứu sốt rét tại Khánh Hòa - Ảnh: Văn Hải
|
Theo ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, “việc giao lưu dân cư vùng biên giới với vùng lưu hành bệnh sốt rét tại Lào và Campuchia gia tăng nên rất khó khăn để khống chế bệnh. Có địa phương 80% các ca mắc sốt rét là người lao động từ Lào về”.
Vẫn theo ông Dương, nhiều người Việt Nam mắc sốt rét khi đi lao động tại các nước châu Phi, nơi có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
Bà Vũ Hồng Minh, Chánh văn phòng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết, chỉ tính riêng tại Angola đã có khoảng 3,5 vạn người Việt Nam sang lao động. Đây là nguồn mang mầm bệnh sốt rét khi về Việt Nam, nhất là khi các lao động này chủ yếu làm việc tại các vùng có sốt rét lưu hành.
“Thu nhập của lao động tại đây khoảng 800 - 1.500 USD/tháng nhưng nếu mắc sốt rét thì chi phí điều trị có thể lên đến 800 USD/ngày, tương đương với cả tháng lương khiến người lao động rất khó khăn trong chữa bệnh”, bà Vũ Hồng Minh cho biết.
Các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài nhận định, nguy cơ sốt rét quay trở lại Việt Nam, số ca mắc sốt rét kháng thuốc sẽ gia tăng nếu không quyết liệt triển khai biện pháp phòng chống và không đầu tư đúng mức cho công tác phòng chống.
Bình luận (0)