Bệnh liên quan an toàn thực phẩm
Theo Bộ Y tế, ngay trong các tháng đầu năm nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong nước đã ghi nhận các ca mắc liên cầu lợn nhập viện tại một số tỉnh, thành.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm T.Ư... trong các tháng qua đã tiếp nhận các ca bệnh nặng do liên cầu lợn.
Mới đây nhất, một nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư ngày 2.8, trong tình trạng thở ô xy, sau đó là thở ô xy lưu lượng cao.
Khoảng 4 ngày trước nhập viện, bệnh nhân và gia đình có ăn lòng lợn (không ăn tiết canh). Những người khác không ai mắc triệu chứng tương tự.
Sau ăn lòng lợn 1 ngày, bệnh nhân sốt cao, rét run kèm đi ngoài phân lỏng 5 lần/ngày, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân. Sang ngày thứ 2, bệnh nhân xuất hiện mảng tím đen trên da, được gia đình đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân, xét nghiệm khí máu toan chuyển hóa nặng, được thở ô xy kính/mask, lọc máu liên tục, cấy máu, dịch não tủy tìm thấy S.suis (liên cầu lợn).
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do S.suis; suy hô hấp. Hiện tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện.
Cảnh báo nhiễm trùng huyết, viêm màng não do liên cầu lợn
Trước đó, tháng 3 năm nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã cấp cứu và điều trị cho 2 bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn (một trường hợp mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, người còn lại bị liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh).
Theo PGS - TS - BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.
Các bác sĩ cũng lưu ý, một số người ăn tiết canh ngan, vịt, dê, không ăn tiết canh lợn, không giết mổ lợn nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn. Nguyên nhân có thể do người bán có pha tiết lợn.
Bệnh mới nổi
Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ 2003, từng được coi là một trong các bệnh mới nổi.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho thấy, bệnh này có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (81%) là nam giới; 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn; 96% bệnh nhân có biểu hiện bệnh cảnh viêm màng não (sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp); 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc.
Để phòng bệnh do liên cầu lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi được nấu chín kỹ. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
Xem nhanh 12h ngày 4.8: Bản tin thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)