Hiểm họa ma túy 'ẩn' trong thực phẩm

11/12/2022 07:02 GMT+7

Tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử… nhắm vào giới trẻ là rất đáng báo động.

Thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan vấn nạn ma túy “đội lốt” thực phẩm. Điển hình là tháng 4.2022, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) bắt quả tang Mai Gia Thái Bình (20 tuổi) tàng trữ 10 gói bột, đóng gói màu xanh, bên ngoài có dòng chữ “Crispy Fruit” và hình minh họa là chùm nho.

Ma túy được đóng gói với nhãn hiệu “Crispy Fruit” và hình minh họa là chùm nho bị Công an TP.Đà Nẵng phát hiện

CTV

Qua giám định, Công an TP.Đà Nẵng xác định đây là loại ma túy được ngụy trang trong thực phẩm lần đầu bị phát hiện tại Đà Nẵng. Tiếp tục đấu tranh, Công an TP.Đà Nẵng bắt giữ Dương Thị Thanh Phương (28 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng). Dương được xác định là người chuyên livestream bán sản phẩm “Crispy Fruit” cho nhiều người nghiện tại TP.Đà Nẵng.

Bánh ngọt Lazy Cakes tẩm cần sa, gây ảo giác

T.N

Tháng 5.2022, Công an H.Đông Anh (TP.Hà Nội) nhận tin báo có 5 trường hợp bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng lơ mơ, khó thở. Những người này trước khi nhập viện đã ăn một loại socola, sau đó bồn chồn, bất tỉnh. Công an H.Đông Anh điều tra và thu giữ mẫu kẹo mà 5 người đã sử dụng. Qua giám định, công an xác định trong viên kẹo socola mà 5 người ăn có chất ADB-Butinaca - loại chất ma túy có trong “cỏ Mỹ”.

Người mẹ nguy kịch vì ăn bỏng ngô trộn cần sa do con mua trên mạng

Các cơ quan quản lý phải siết chặt kiểm soát, quản lý nguồn gốc. Các loại thuốc, hóa chất, tiền chất… nhập về phải có mục đích, bán ra phải kiểm soát, mua về vào mục đích gì, phục vụ việc gì và phải chịu trách nhiệm nếu để thất thoát tiền chất ra bên ngoài cho các đối tượng sản xuất ma túy.

Đại diện C04

Ngày 25.10.2021, 13 học sinh Trường THPT Hoành Bồ (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện sau khi ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc, trong đó 9 em dương tính với ma túy. Công an xác định gói kẹo mà các học sinh ăn là Medicated Nerds Rope 400 mg THC. Học sinh nói mua gói kẹo ở một quán cà phê.

Ma túy dưới dạng nước xoài bị Công an Q.5 (TP.HCM) phát hiện

Công nguyên

Tháng 9.2020, Công an Q.5 (TP.HCM) phát hiện Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi, quê An Giang) vận chuyển một gói ni lông, bên ngoài in hình quả xoài với dòng chữ “Crispy Fruit Mango”. Sau đó, loại này được xác định là ma túy ở thể rắn, thuộc loại Bromazepam, có trọng lượng hơn 17,6 gr. Đạt khai nhận được một người thuê đi giao cho khách mua, trên đường đi thì bị công an bắt giữ.

Ngang nhiên rao bán trên mạng

Điều đáng lo ngại là trên mạng xã hội nhiều đối tượng ngang nhiên rao bán ma túy “đội lốt”, tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường.

dad

Ngày 9.12, PV Thanh Niên vào trang “Socola bay Luxury - Đồ chơi giới trẻ” thì phát hiện trong hội kín này rao bán loại “Socola bay Luxury” - một loại ma túy được rao “ăn vào bao phê”. Trong hội này liên tục rao bán socola ma túy này với những dòng giới thiệu như “xả stress, ăn ngủ ngon, nghe nhạc rất hay, rất bay, rất phê, rất chill... và tăng cường sinh lý” (?). Kèm theo đó là hình ảnh sản phẩm socola và số điện thoại liên hệ mua hàng.

PV Thanh Niên gọi vào số điện thoại 08165469… để dò hỏi thì một giọng nam bắt máy. Sau khi nghe khách hỏi “Socola bay”, người này trả lời “1 hộp 2 viên dành cho 2 - 3 người chơi (bao phê từ 4 - 6 tiếng) có giá 500.000 đồng/hộp”. Theo người này, hiện hàng đang có tại Hà Nội, người mua cần phải đặt cọc trước 30% số tiền hàng và nhận hàng từ các dịch vụ chuyển hàng nhanh rồi thanh toán số tiền còn lại. “Mình chỉ chuyển hàng khi khách mua từ 2 hộp trở lên và đặt cọc 30% số tiền”, người này nói.

Trong nhóm kín “Hội đồng bay lắc” trên Facebook, tài khoản “Thanh Tu” đăng bán công khai các loại thuốc lắc, bánh lười (Lazy Cakes) và nước xoài (2 loại ma túy mới - PV). Liên hệ qua điện thoại, người bán (giọng nam) cho biết có đủ các loại “kẹo”, bánh lười và nước xoài. “Hàng ở đây là nước ngoài nhập về, đảm bảo chất lượng, bao phê mà sử dụng an toàn, không lo người thân phát hiện, công an bắt giữ”, người bán giới thiệu.

Về điều kiện giao dịch, người này yêu cầu người mua phải đặt cọc 50% số tiền trên đơn thì mới chuyển hàng. “Hàng đang có tại Quảng Ninh, nếu anh mua hàng thì phải cọc trước thì mới đóng gói và gửi xe vào được”, người này nói. Liên quan đến giá cả, người này cho hay bánh lười có giá 400.000 - 500.000 đồng/bánh (tùy vào thời điểm), nước xoài có giá 700.000 đồng/bịch. Riêng về “kẹo” (thuốc lắc - PV) thì tùy thuộc từng loại sẽ có giá khác nhau…

Công an cảnh báo ma túy trộn trong đồ uống, thực phẩm của học sinh

Liên tục xuất hiện loại ma túy mới

Theo đại diện Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an, thời gian gần đây, trên thế giới và VN xuất hiện nhiều sản phẩm ma túy mới, núp bóng dưới 2 dạng phổ biến là thực phẩm (bánh kẹo, thực phẩm chức năng, đồ uống…) và thuốc lá, thuốc lá điện tử. Các đối tượng tẩm ma túy vào thực phẩm, thuốc lá… và phần lớn là tẩm cần sa vì dễ điều chế và một số nước cho phép sử dụng hợp pháp, bán công khai chất ma túy này, chỉ cần tuân thủ đúng quy định về lứa tuổi và liều lượng.

Đại diện C04 cho hay, hiện nay tại VN đã phát hiện nhiều loại thực phẩm chứa ma túy như bỏng ngô, bánh kẹo, trà sữa, nước trái cây…; thủ đoạn này không mới mà chỉ do các đối tượng chọn cái gì để tẩm ma túy vào và đặt tên nhằm qua mặt lực lượng chức năng, bán thu lời bất chính. Ngoài ra, tội phạm ma túy hoạt động rất tinh vi, chúng lợi dụng công nghệ hóa học, dược học để nghiên cứu, chế tạo ra những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm của các nước trên thế giới để lách luật.

“Khi có một chất ma túy mới bị phát hiện được đưa vào diện kiểm soát thì liên tục xuất hiện những chất mới có tính năng tác dụng tương tự thay thế, điển hình là ma túy nhóm cần sa tổng hợp. Ngoài ra, nhiều chất ma túy mới liên tục được phát hiện nhưng trong cơ sở dữ liệu tàng thư chất ma túy có nhiều chất chưa có, chưa được cập nhật. Đây không chỉ là khó khăn của nước ta mà còn là khó khăn chung của các nước khác”, đại diện C04 cho hay.

Cần siết chặt quản lý

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc siết nguồn từ nước ngoài, đại diện C04 cho biết các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng cần kiểm soát chặt các hóa chất, tiền chất, thuốc hướng thần, tân dược gây nghiện, thuốc thú y… tránh các đối tượng thu gom để tách chiết, sản xuất trái phép chất ma túy.

Cụ thể, Bộ Công thương phải quản lý chặt các loại hóa chất phục vụ trong sản xuất công nghiệp; Bộ Y tế quản lý đối với các chất sử dụng trong y học; Bộ NN-PTNT phải quản lý các chất, thuốc dành cho thú y mà bên trong có tiền chất có thể điều chế, sản xuất ma túy.

“Các cơ quan quản lý phải siết chặt kiểm soát, quản lý nguồn gốc. Các loại thuốc, hóa chất, tiền chất… nhập về phải có mục đích, bán ra phải kiểm soát, mua về vào mục đích gì, phục vụ việc gì và phải chịu trách nhiệm nếu để thất thoát tiền chất ra bên ngoài cho các đối tượng sản xuất ma túy”, đại diện C04 nói.

Ngoài ra, đại diện C04 cho biết công an các địa phương cần chủ động nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các loại thực phẩm mới chứa ma túy để sớm cảnh báo, tránh gây hại đến người dân, nhất là học sinh, sinh viên. Các ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của ma túy, nhất là các chất ma túy mới xuất hiện ở trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chú trọng đưa ra cảnh báo đối với các loại ma túy có chứa hỗn hợp của nhiều chất ma túy khác nhau, khi sử dụng sẽ dẫn đến ngộ độc, thậm chí có thể tử vong để giáo dục và phòng ngừa chung. Các bậc cha mẹ, nhà trường cũng phải tăng cường quản lý, giáo dục con em mình, nhất là vào mỗi dịp nghỉ hè để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại chất ma túy dạng mới với hình thức ngày càng tinh vi.

Theo đại diện C04, đến nay trong danh mục các chất ma túy và tiền chất ma túy của VN đã có 47 chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng; 434 chất ma túy được sử dụng hạn chế trong các lĩnh vực được quy định; 76 chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và 60 tiền chất có cấu trúc ma túy và dùng trong quá trình sản xuất chất ma túy bị cấm.

Nước ta cũng tham gia vào các công ước quốc tế về phòng chống ma túy, trong công ước các nước cũng thường xuyên cập nhật các chất ma túy và tiền chất mới vào danh mục chất cấm để cùng nhau nghiên cứu, cập nhật, bổ sung nhằm có căn cứ xử lý các đối tượng theo quy định của từng nước.

Choáng với kho ma túy cực lớn núp bóng thuốc “tăng cường sinh lý”

Nhắm vào giới trẻ

Đầu tháng 12.2022, Công an TP.HCM đã có thông tin cảnh báo về một loại ma túy mới “núp bóng” dưới dạng thực phẩm có tên bánh Lazy Cakes thường gọi là “bánh lười”. Loại bánh này có tẩm cần sa, được đóng gói trong bao bì màu tím, thu hút nhiều người trẻ quan tâm và sử dụng. Khi người sử dụng bánh này, chất kích thích ngấm nhanh vào máu gây cảm giác hưng phấn, ảo giác, dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười. Loại bánh này được cảnh báo có thể gây suy hô hấp tạm thời và có thể khiến người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Nguyên liệu để làm bánh là cần sa, chiết xuất thành dung dịch hoặc ma túy tổng hợp. Sau đó hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, socola… rồi nướng, hấp thành bánh và đóng gói bán. Loại bánh ngọt nguy hại này đã được du nhập vào VN khoảng 4 năm nay, người sử dụng chủ yếu là giới học sinh, sinh viên.

Khi học sinh vô tình sử dụng các loại kẹo bánh, nước uống có tiền chất ma túy sẽ gây kích thích phấn khích, dùng lâu sẽ có cảm giác thèm. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người dùng và nghiện. Bên cạnh đó, tiền chất ma túy pha trộn trong bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử sẽ dễ dàng lưu hành, bày bán và sử dụng mà người xung quanh khó phát hiện để tố giác. Các loại ma túy mới này cũng dễ dàng qua mặt được phụ huynh khi thấy con mình ăn mà không chút nghi ngờ.

Theo Công an TP.HCM, đáng lo ngại nữa là sự xuất hiện tiền chất ma túy có trong thuốc lá điện tử. “Thời gian tới, bên cạnh tấn công triệt xóa các đường dây mua bán ma túy, Công an TP.HCM sẽ tổ chức các chuyên đề, phối hợp các trường học, đoàn thanh niên tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về cách nhận biết các loại tiền chất ma túy trộn trọng bánh kẹo, nước trái cây và thuốc lá điện tử để phòng tránh”, Công an TP.HCM cho biết thêm.

Theo Công an TP.HCM, những mặt hàng này chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài được vận chuyển qua đường hàng không, đường bộ về các tỉnh phía bắc. Sau đó, “lan” vào các tỉnh miền Trung, TP.HCM và các tỉnh phía nam. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang đẩy mạnh các chiến dịch điều tra, thu giữ các loại ma túy núp bóng bánh kẹo, nước uống nên nguồn hàng khan hiếm và đẩy giá rất cao.

Công Nguyên

Phụ huynh, nhà trường lo lắng

Chị Bùi Thu Hiền (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 10 Trường THPT Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi mong rằng để học sinh có môi trường an toàn thì cơ quan chức năng như an ninh, quản lý thị trường phải phối hợp với nhà trường kiên quyết ngăn chặn triệt để học sinh có cơ hội tiếp cận ma túy “đội lốt” thực phẩm, chứ sử dụng rồi mới phát hiện, xử lý thì đã muộn”.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho rằng: “Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, cần phải đồng bộ giải pháp từ cơ quan chức năng, trong đó phải chặn từ nguồn gốc”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.