Cảnh báo nhiều thiết bị gian lận thi cử

Quý Hiên
Quý Hiên
18/06/2018 09:03 GMT+7

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, chống gian lận thi cử luôn là một bài toán đầy thách thức trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, vì ngay cả cơ quan công an cũng không thể xác định cụ thể có bao nhiêu loại thiết bị gian lận khi chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức.

Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết chống gian lận thi cử là một nhiệm vụ quan trọng của công tác thanh tra trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Ẩn trong vật dụng như thẻ ATM
Nói về việc chống gian lận thi cử, ông Bằng cho biết cần phải nhìn từ hai phía: người làm thi và thí sinh (TS). “Không chỉ TS mới có hành vi gian lận thi cử mà cả những người tham gia phục vụ kỳ thi, trong đó chủ yếu là giám thị, cũng có nguy cơ tiềm ẩn hành vi gian lận”, ông Bằng nói.
Các hành vi gian lận thi cử đã được chỉ rõ trong quy chế. Với người tham gia phục vụ kỳ thi, chẳng hạn như trực tiếp làm bài hoặc hướng dẫn giải bài, hoặc lấy bài TS này đưa cho TS khác, rồi đưa đề thi ra ngoài, làm lộ số phách bài thi, chấm thi không đúng... Còn với TS, hành vi gian lận là trao đổi bài, chép bài của TS khác, mang vật dụng trái phép (vô ý, cố ý) vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, nhận bài giải từ bên ngoài vào, thi hộ, thi kèm...
Dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp chống gian lận thi cử, nhưng với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay chống gian lận thi cử luôn là một bài toán đầy thách thức. Cái khó hiện nay là ngay cả cơ quan công an cũng không thể xác định cụ thể có bao nhiêu loại thiết bị gian lận khi chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, ẩn trong vỏ máy tính, một thiết bị TS được phép đưa vào phòng thi trong các môn cần tính toán, năm nay trên thị trường đã xuất hiện thiết bị gian lận được ẩn trong vật dụng dạng như thẻ ATM. Hoặc có những thiết bị sử dụng tai nghe không dây rất nhỏ. Trường hợp ở Quảng Nam năm ngoái chẳng hạn, TS dùng tai nghe nhỏ như hạt đậu, muốn lấy ra phải dùng nam châm hút.
“Thiết bị gian lận rất đa dạng, khó phát hiện, khó lường. Nhưng có một đặc điểm chung là khi sử dụng các thiết bị đó thì người sử dụng nhất định sẽ có biểu hiện không như bình thường. Ví dụ, thông thường TS khi dùng máy tính để tính toán sẽ đặt trên bàn mà bấm, nhưng nếu dùng máy tính để chụp ảnh thì TS phải nâng cao tạo khoảng cách nhất định với mặt bàn. Nếu giám thị quan sát sẽ thấy ngay. Năm ngoái bắt được trường hợp ở Quảng Nam đúng lúc TS đang dùng máy tính theo cách đó”, ông Bằng nói.
Giám thị đóng vai trò quan trọng
Theo ông Bằng, tuy ngành GD-ĐT phối hợp rất tích cực với cơ quan công an trong công tác chống gian lận thi cử, nhưng để làm tốt việc này thì vai trò số một phải là giám thị. “Vì thế chúng tôi yêu cầu các tỉnh phải tập huấn rất kỹ cho giám thị, trước ngày thi các điểm thi cần họp lại giám thị một lần nữa để quán triệt vấn đề này. Khi gọi TS vào phòng thi, một giám thị đọc tên, một giám thị đối chiếu TS với ảnh. Qua hoạt động này giám thị đã có thể phát hiện dấu hiệu cho thấy TS đang chuẩn bị gian lận. Cách đây vài năm, giám thị của chúng tôi đã phát hiện trường hợp cài tài liệu ở gấu quần vì thấy gấu quần của TS cộm lên”, ông Bằng cho biết.
Ông Bằng nhận xét: “Chúng tôi không giao hết mọi việc về kỹ thuật cho giám thị trong công tác chống gian lận thi cử, vì họ không có khả năng làm việc đó. Chúng tôi chỉ cần họ làm đúng chức năng của mình, kịp thời phát hiện có dấu hiệu gian lận thi cử sử dụng thiết bị công nghệ cao để báo với người có trách nhiệm, có chuyên môn”.
Tránh tình trạng giám thị “chọn” mã đề phát cho thí sinh
Ông Nam Nhật Minh, Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra một số yêu cầu mới trong công tác coi thi, nhằm đảm bảo cao nhất độ an toàn, nghiêm túc, công bằng cho kỳ thi.
Chẳng hạn, Bộ đã bổ sung những quy định đảm bảo quản lý chặt chẽ phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu sẽ đóng vào các túi được niêm phong, trước khi mang đến phòng thi, đảm bảo mỗi TS chỉ có một phiếu trả lời trắc nghiệm trong một bài thi.
Để đảm bảo an toàn cho bài thi của TS trong quá trình đến với hội đồng chấm, năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu trên tem niêm phong túi đựng bài thi phải có đủ 4 chữ ký, bao gồm 2 giám thị, thư ký điểm thi, phó điểm trưởng điểm thi.
Năm nay Bộ vẽ sơ đồ mô tả quy trình phát đề thi và phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm cho TS gửi đến các hội đồng thi. Các điểm thi phải yêu cầu giám thị thực hiện đúng như sơ đồ này, tránh hiện tượng giám thị có thể “chọn” đề để phát cho TS cụ thể nào đó.
Theo quy chế, với các bài thi tổ hợp, TS sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài môn thi thành phần để thi môn tiếp theo. Năm nay, Bộ yêu cầu cán bộ coi thi không chỉ thu lại đề thi, giấy nháp thi mà còn tất cả tài liệu, vật dụng, giấy tờ TS có ghi chép lại các dấu hiệu của đề môn thi thành phần trước. “Năm trước chúng ta chỉ quy định thu lại đề thi, giấy nháp. Nhưng theo phản ảnh, có thể có hiện tượng TS sử dụng thẻ đăng ký dự thi ghi chép môn thi thành phần trước, thậm chí nhiều em ghi vào hộp bút, chép lên bàn… để dành thời gian của môn thi sau làm bài thi của môn trước”, ông Minh giải thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.