Cảnh báo Omicron sắp thành biến thể vượt trội

Khánh An
Khánh An
12/12/2021 09:07 GMT+7

Tốc độ lây lan nhanh dẫn đến lo ngại rằng Omicron sẽ sớm trở thành biến thể vượt trội tại nhiều nước trên thế giới .

Người dân xét nghiệm Covid-19 tại New York, Mỹ vào ngày 8.12

Reuters

Đài NPR hôm qua 11.12 đưa tin biến thể Omicron gây Covid-19 có xu hướng lây lan nhanh tại nhiều nước dù tỷ lệ tiêm vắc xin khá cao và biến thể Delta đang “thống trị”. Đến nay, Omicron vẫn chưa gây làn sóng lây nhiễm toàn cầu, nhưng giới chuyên môn cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian. Hiện gần 60 nước đã ghi nhận biến thể này.

Dấu hiệu đáng ngại

Theo Giáo sư Matt Ferrari tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), dấu hiệu đáng ngại nhất là tốc độ lây lan của Omicron ở châu Âu. “Tất cả những người trong ngành đều hy vọng họ đang lo lắng thái quá, nhưng hơn lúc nào hết trong đại dịch, chúng tôi biết rõ nó có thể tồi tệ ra sao”, ông nói. Dữ liệu ban đầu tại các nước như Anh, Đan Mạch và Nam Phi cho thấy 1 người nhiễm Omicron đang lây cho 2 - 4 người, cao gấp đôi so với biến thể Delta.

Mũi 3 vắc xin Covid-19 giúp tăng bảo vệ trước biến thể Omicron lên 75%

Tại Anh, nơi đã chủng ngừa vắc xin cho 70% dân số, cơ quan y tế cảnh báo số ca mắc Omicron có thể chiếm phân nửa số ca Covid-19 vào giữa tháng 12. Theo ông Jeffrey Barrett, Giám đốc Sáng kiến hệ gien học tại Viện Wellcome Sanger (Anh), tốc độ như vậy là dấu hiệu cho thấy Omicron có thể tăng theo cấp số nhân ngay cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Theo tờ The Washington Post, nhiều lãnh đạo và chuyên gia tại châu Âu đều dự báo Omicron sẽ trở thành biến thể vượt trội trong khu vực vào tuần tới, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chưa nên đưa ra kết luận vào thời điểm này.

Đối phó, theo dõi sát

Giới chuyên môn lo ngại Omicron lây lan nhanh sẽ khiến các bệnh viện quá tải, trong khi vẫn đang chịu áp lực lớn từ làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta. Tại Mỹ, với số ca nhiễm và tử vong trên cả nước gia tăng trở lại trong vài tuần qua và lo ngại biến thể mới, Thống đốc bang New York Kathy Hochul ngày 10.12 tạm áp dụng lại quy định đeo khẩu trang tại các doanh nghiệp và địa điểm không buộc trình giấy chứng nhận tiêm vắc xin. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson hôm 8.12 công bố “Kế hoạch B” nhằm đối phó biến thể mới, với các quy định về làm việc ở nhà, đeo khẩu trang nơi công cộng và áp dụng thẻ xanh. Mới chỉ 1.265 ca nhiễm Omicron được giải trình tự gien, nhưng Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ước tính đã có gần 10.000 người nhiễm trên cả nước. Chính phủ Anh cho hay “Kế hoạch B” nhằm giúp nước này có thêm thời gian hiểu hơn về Omicron trong khi đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi tăng cường.

Biến thể Omicron đẩy số ca Covid-19 ở Nam Phi tăng 255%

Tại Đông Nam Á, nhiều nước đang theo dõi sát sao diễn biến của Omicron để có thể kịp thời điều chỉnh chính sách, trong khi tiếp tục thận trọng mở cửa. Malaysia hôm 9.12 thông báo khách đến theo chương trình “làn đi lại” cho người đã tiêm vắc xin và miễn cách ly (VTL) sẽ phải nộp giấy xét nghiệm âm tính hằng ngày trong vòng 6 ngày sau khi đến. Còn Singapore tạm dừng kế hoạch mở rộng VTL đối với Qatar, Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Singapore cũng siết quy định, buộc khách đến phải xét nghiệm PCR âm tính trước và sau khi đến. Thái Lan tạm dừng quy định áp dụng được vài tuần qua về việc miễn cách ly trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR đối với khách đã tiêm vắc xin. “Các nước đang theo dõi tình hình. Những nước đã mở cửa vẫn tiếp tục duy trì nhưng tăng cường xét nghiệm trước khi đến”, theo chuyên gia Peter Mumford tại Công ty tư vấn phân tích rủi ro Eurasia Group (Mỹ).

Báo cáo mới nhất về Omicron

CNN hôm qua đưa tin Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) vừa công bố báo cáo đầu tiên về Omicron, cho thấy biến thể này đã xuất hiện tại ít nhất 22 tiểu bang với 43 người nhiễm. Đáng chú ý, có 79% bệnh nhân đã tiêm đủ vắc xin ít nhất 14 ngày trước khi có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính. Trong số này, có 14 người đã tiêm liều tăng cường trước khi bị nhiễm. Tuy vậy, hầu hết các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ đến trung bình, với các biểu hiện như ho, mệt mỏi, nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Chỉ có một bệnh nhân đã tiêm vắc xin phải nhập viện trong 2 ngày; và không có ca tử vong nào. Tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla dẫn dữ liệu ban đầu cho thấy dù tỷ lệ nhập viện đang tăng lên ở nước này nhưng không đi kèm tình trạng bệnh nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.