Bà N.T.Th (48 tuổi, trú xã Pơng Đrang, H.Krông Búk, Đắk Lắk) vừa được xuất viện sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên. Hồi cuối tháng 3, bà Th. đang đứng trên thang để hái tiêu ở độ cao khoảng 4,5 m thì bất ngờ thang đổ khiến bà rơi xuống đất. Hậu quả, bà bị chấn thương cột sống vùng thắt lưng, phải phẫu thuật. Bà Th. không có thẻ BHYT, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên người thân phải vay mượn nhiều nơi để có tiền chữa trị.
|
Đang điều trị sau ca mổ cũng tại bệnh viện này, chị L.T.T.Ng (34 tuổi, trú xã Đắk Hòa, H.Đắk Song, Đắk Nông) vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi ngã từ trên thang trong vườn tiêu. Khoảng 10 ngày trước, chị Ng. bắc chiếc thang cao 4 m để hái những chùm tiêu trên ngọn thì thang nghiêng khiến chị rơi xuống đất, bị thương nặng ở cột sống. “Hái tiêu một mình nên khi ngã xuống tôi ngất xỉu, nằm bất động, không ai biết. Một lúc sau tỉnh dậy cố gượng gọi điện thoại cho người nhà để đưa đi cấp cứu”, chị Ng. kể.
Ngoài những vụ tai nạn lúc thu hái tiêu bị chấn thương nặng phải vào điều trị tại các bệnh viện lớn, còn rất nhiều vụ tai nạn nhẹ hơn được chữa trị tại nhà hoặc cơ sở y tế tư nhân. Ông Dương Văn Ba, nông dân trồng tiêu ở xã Ea Blang, TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk), cho biết nhiều vườn tiêu trồng bằng trụ gỗ sau một thời gian cây bị khô mục, dễ gãy đổ khi dựa thang vào để leo lên hái tiêu. Còn khi sử dụng thang kép đặt trên nền đất, nếu đất yếu, bị lún, thang mất cân bằng hoặc gặp gió mạnh cũng sẽ xô đổ thang.
“Thời gian gần đây, do thiếu nhân công hoặc giá tiêu xuống thấp, giá nhân công lại cao nên nhiều nông hộ tự thu hoạch. Nhiều người, nhất là phụ nữ và trẻ em, không nắm vững kỹ thuật đặt thang hái tiêu nên thang dễ đổ ngã, gây chấn thương”, ông Ba nhìn nhận.
Theo thống kê của Khoa Ngoại - thần kinh Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên, bệnh nhân nhập viện điều trị do bị ngã khi trèo thang hái tiêu gia tăng trong thời gian thu hoạch tiêu rộ vừa qua. Trong hai tháng 3 và 4, khoa này tiếp nhận, điều trị hơn 120 người, trong đó có 44 người chấn thương xương sống, phải phẫu thuật. Bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại - thần kinh, cho biết người hái tiêu thường ở vị trí cao đến 3 - 4 m, thậm chí 5 - 6 m, khi cố hái những chùm tiêu chín trên cao có thể bị hụt chân, hoặc thang nghiêng dẫn đến ngã xuống đất. Những trường hợp này dễ gặp chấn thương do va đập, nhẹ thì phần mềm, nặng thì thương tổn tay chân, cột sống.
“Chi phí mổ cột sống rất tốn kém (từ 40 triệu đồng/ca), rất khó khăn cho bệnh nhân nghèo nếu không có BHYT. Thường thì sau ca mổ khoảng nửa tháng bệnh nhân xuất viện, còn ca nào liệt phải nằm lâu hơn, phải tập vật lý trị liệu để phục hồi”, bác sĩ Đồng nói.
Bình luận (0)