Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang chạy đua tiến độ để đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2024, và đánh dấu sự quay lại của người Mỹ sau năm 1972.
Hồi đầu tuần, NASA công bố những chi tiết mới về chương trình Artemis, bao gồm điểm đáp dự kiến tại Cực Nam mặt trăng gần hõm chảo Shackleton.
Tuy nhiên, bất chấp cơ quan không gian Mỹ tính toán lựa chọn vị trí đáp phi thuyền kỹ lưỡng đến mức nào, điều đầu tiên họ cần cân nhắc là làm sao bảo vệ các nhà du hành vũ trụ trước hàm lượng bức xạ tăng vọt so với ISS.
Nhờ vào thiết bị có tên LND, các nhà khoa học lần đầu tiên có thể đo được bức xạ trên bề mặt chị Hằng, theo báo cáo trên chuyên san Science Advances.
|
Đồng tác giả báo cáo Thomas Berger thuộc Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức ở Cologne cho hay thông số thu được về mức độ ảnh hưởng bức xạ trên mặt trăng sẽ cho phép các chuyên gia NASA thiết kế bộ đồ du hành phù hợp cho sứ mệnh Artemis.
Do nhà nghiên cứu Berger và các đồng sự hợp lực thiết kế, thiết bị LND được gắn lên tàu thăm dò của Trung Quốc là Thường Nga-4, đã đáp xuống phần tối của mặt trăng hồi đầu năm ngoái.
Theo số liệu đo đạc của LND, hàm lượng bức xạ trung bình trên bề mặt mặt trăng là khoảng 60 microsievert/giờ.
Để dễ so sánh, các hành khách trên chuyến bay từ Đức đến bờ Đông Mỹ tại New York phải phơi nhiễm mức độ bức xạ với hàm lượng thấp hơn từ 5-10 lần so với con số trên.
Trên bề mặt Trái đất, mức độ bức xạ phải thấp hơn 200 lần.
Nếu chuyến bay xuyên Đại Tây Dương chỉ kéo dài trong vài giờ, NASA đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên mặt trăng và lưu trú tại đây trong vài tháng, vì thế mức độ phơi nhiễm bức xạ cho trường hợp sau sẽ chênh lệch cực lớn.
“Cấu tạo cơ thể con người không thể chịu đựng trước hàm lượng bức xạ trong vũ trụ”, theo đồng tác giả Robert Wimmer-Schweingruber của Đại học Kiel (Đức).
Bình luận (0)