Các nhà khoa học thận trọng cho rằng vết đen mặt trời, thể hiện dưới dạng vùng sậm và nguội hơn, có thể phóng thích những đợt bùng nổ cực mạnh như vết lóa mặt trời và sự phun trào vật chất ở vành nhật hoa, theo trang earth.com hôm 23.8.
Những dạng phun trào trên có thể can thiệp hoạt động của các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất và thậm chí còn gây cúp điện trên bề mặt địa cầu. Đó là lý do giới chuyên gia đang theo dõi sát diễn biến của vết đen của mặt trời trước khi đưa ra các dự báo kế tiếp.
Trong khi vẫn chưa rõ những khía cạnh chính xác của vết đen mặt trời, chính tàu thăm dò sao Hỏa của NASA là Perseverance đã ghi nhận diễn biến trên ở khoảng cách gần 245 triệu km.
Từ ngày 17-20.8, tàu thăm dò Perseverance đã chụp được hình ảnh vết đen trên mặt trời trong lúc đang thám hiểm Hố va chạm Jezero trên sao Hỏa.
"Do sao Hỏa đang trên quỹ đạo ở phần xa của mặt trời, tàu Perseverance có thể phát hiện những vết đen sớm hơn 1 tuần trước trái đất. Hãy xem đây là cảnh báo trước 1 tuần: trái đất chuẩn bị đối diện một vết đen khổng lồ trên mặt trời", theo NASA.
Hồi tháng 2, NASA đã chia sẻ những hình ảnh lóa mắt về mặt trời, cho thấy những phân khúc nhiệt độ khác nhau xung quanh ngôi sao trung tâm của chúng ta.
Nhờ vào kính viễn vọng NuSTAR, cơ quan không gian Mỹ phát hiện tia X năng lượng cao chỉ xuất hiện ở một số khu vực, trong khi các tia X năng lượng thấp và tia tử ngoại được phát hiện xuyên suốt quang cầu của mặt trời.
Các nhà khoa học hy vọng những thông tin mới sẽ giúp họ giải mã một trong những bí ẩn lớn nhất của mặt trời: tại sao tầng khí quyển bên ngoài, tức vành nhật hoa, lại có nhiệt độ 1 đến 2 triệu độ C, tức nóng ít nhất gấp 100 lần so với bề mặt.
Bình luận (0)