|
Giới quan sát đều có cùng nhận định: Mặc dù việc Trung Quốc triển khai 4 giàn khoan dầu khác xuống biển Đông là tín hiệu đáng quan ngại, động thái này không nên làm phân tán tập trung vào giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vì mọi vấn đề chính đều xuất phát từ giàn khoan này.
Các chuyên gia cũng cảnh báo các bên cần sẵn sàng để đối phó với những bước đi tiếp theo ngày càng khó lường của Bắc Kinh. Giáo sư Carl Thayer (Úc) nhận định thẳng: “Trung Quốc đang muốn căng sức Việt Nam để cụ thể hóa tham vọng bá quyền, mà cụ thể là chính sách “đường lưỡi bò” phi lý”.
Các chuyên gia đã chỉ rõ các bước đi bành trướng của Trung Quốc trên toàn bộ khu vực biển Đông bị liệt vào bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý. Cụ thể, nước này cho tàu phong tỏa bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở phía đông “đường lưỡi bò”, nhiều lần diễn tập quân sự ở bãi cạn James của Malaysia - điểm cực nam “đường lưỡi bò” và hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 ở phía tây. Đó là chưa kể đẩy mạnh xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Tất cả nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa lẫn muốn tạo “sự đã rồi”.
Chặn đầu COC
Giới quan sát nhận định Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy sự hình thành của Bộ quy tắc ứng xử (COC) bởi Bắc Kinh luôn lợi dụng tính ít ràng buộc của Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) hiện tại để gia tăng các hành vi gây hấn. TS Christopher Roberts (Đại học New South Wales, Úc) nói với Thanh Niên: “Vì muốn vô hiệu hóa tính ràng buộc của COC nên trước khi chấp thuận cho ra đời bộ quy tắc ứng xử này, Trung Quốc sẽ gia tăng hiện diện và kiểm soát trên phần lớn biển Đông nhằm tạo ra nhiều “sự đã rồi” càng nhiều càng tốt. Đáng quan ngại hơn, tôi biết Bắc Kinh cũng chẳng giấu giếm gì về ý định này.
Có lần, có viện trưởng một viện nghiên cứu nhà nước Trung Quốc từng khẳng định rằng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến vùng đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN có tranh chấp trên biển Đông, bởi vì ở đó có nhiều dầu. Với quan điểm như vậy, sẽ không có gì khó hiểu khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngày càng có những hành động hung hăng trên biển”.
Mặc dù có thông tin Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam vào giữa tháng 8 nhưng nhiều học giả quan ngại rằng vào thời điểm rút giàn khoan, Bắc Kinh sẽ vin vào luận điểm giàn khoan này đã ở trong vùng biển Hoàng Sa trong một khoảng thời gian nhất định để tiếp tục khẳng định cái gọi là chủ quyền trên biển Đông. Ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS-Mỹ), đã bác bỏ ngay ý đồ này: “Về phương diện luật pháp, điều đó hoàn toàn vô nghĩa trước một phiên tòa quốc tế”.
Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi
Theo giới quan sát, trong cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, những “kiềm chế” từ nước này trong quá khứ đã không làm được gì để giúp cải thiện các tranh chấp trên biển và do vậy, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi hiện trạng “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”. Chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) nhận định: “Tôi e là Trung Quốc có những hành động liên tiếp gần đây là vì họ cho rằng mình sẽ mất nếu như không cứng rắn. Một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc tin rằng họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại biển Đông và hệ lụy nguy hiểm là Bắc Kinh sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tư tưởng nước lớn của bộ phận này để tiếp tục không chịu thỏa hiệp”.
Ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan thứ 2 là Nam Hải 9 ra biển Đông, các diễn đàn mạng của nước này như bbs.tianya.cn thu hút rất nhiều lời bình luận. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc cần đưa thêm nhiều giàn khoan ra nữa để khẳng định cái gọi là chủ quyền trên biển Đông. Tiến sĩ Roberts nhận định về hiện tượng này: “Vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã cấy vào đầu người dân niềm tin là biển Đông thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này”. Ông Roberts dẫn lời một giáo sư Trung Quốc kể lại: “Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc 50 tuổi vẽ bản đồ nước này, người đó sẽ vẽ bản đồ chỉ có Trung Quốc đại lục. Nhưng nếu đề nghị như thế với một người Trung Quốc 25 tuổi, chắc chắn tấm bản đồ sẽ xuất hiện cả biển Đông”.
Philippines mở rộng cửa căn cứ không quân cho Mỹ Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Tư lệnh không quân Philippines Jeffrey Delgado tuyên bố sẵn sàng cho Mỹ sử dụng tất cả 8 căn cứ không quân của nước này. Phát biểu này được đưa ra giữa lúc Trung Quốc ngày càng có hành động gây quan ngại trong khu vực. Mới đây, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley cũng đã chỉ trích mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc khi tham dự diễn đàn Hòa bình thế giới lần 3 ở Bắc Kinh ngày 21.6. Cụ thể, trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Hadley ví những hành vi gần đây của Trung Quốc rất giống quá trình bành trướng thuộc địa trên thế giới trong thế kỷ 19, thể hiện qua những gì đã và đang làm ở biển Đông và biển Hoa Đông, theo hãng thông tấn CNA (Đài Loan). Từ đó, ông khẳng định Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc tất nhiên phải nghi ngờ những tuyên bố, giải thích của Bắc Kinh về mong muốn trỗi dậy hòa bình hay xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Minh Trung |
An Điền
>> Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc cố tình trì hoãn đàm phán COC
>> Sợ bị kỷ luật, một học sinh tung tin bị bắt cóc
>> Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của COC
>> Đành phải chờ xem Trung Quốc làm gì tiếp với 4 giàn khoan khác
>> Trung Quốc có thể kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào Trường Sa
>> Trung Quốc sẽ kéo thêm 3 giàn khoan ra biển Đông vào tháng 8
>> GS Carl Thayer: Cần đưa vấn đề giàn khoan ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
>> Từ Hoàng Sa ngày 21.6: Liên tục xảy ra nhiều tình huống nguy hiểm
>> Thủ đoạn Trung Quốc dùng để cưỡng đoạt Hoàng Sa
Bình luận (0)