Đinh Kim Nhớ sinh ra ở huyện Sơn Hà, một vùng núi rừng chập chùng miền tây Quảng Ngãi, nơi con sông Rin đón nước từ trăm dòng suối nhỏ rồi xuôi về Ngã Ba Nước, đổ vào dòng sông mẹ Trà Khúc, trước khi ra biển cả bao la.
Năm 1954, khi mới 14 tuổi, cô gái giao liên người H’re dễ thương như con chim vơ linh nhỏ, nhưng sớm nhọc nhằn vì mồ côi cha mẹ, đã rời con suối Ta Man chảy ngược, rời bóng mát cây kơ nia sườn đồi theo anh cán bộ người Kinh tập kết ra Bắc.
Hơn 20 năm (1954-1975) sống, học tập và lao động nghệ thuật trên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, Kim Nhớ từng đến và hát ở hàng ngàn bản làng Tây Bắc, Việt Bắc, đến với các nhà máy, công trường, nông trường rồi vào sâu tận vùng tuyến lửa Vĩnh Linh để phục vụ bộ đội và đồng bào; lưu diễn hàng chục lần đến các nước Đông Âu, Bắc Âu, Philippines, Indonesia... hàng trăm lần thu thanh bài hát để phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Thế nhưng, dù đến nơi đâu, thẳm sâu trong tâm hồn cô ca sĩ ấy vẫn đăm đắm một nỗi nhớ đến nao lòng núi rừng quê hương miền Tây Quảng Ngãi. Nơi đó có một bản nhỏ người H`re với những ngôi nhà sàn nằm theo hình cánh cung ở một triền đồi thấp; có những bà mẹ trẻ địu con lên rẫy, hát ru con theo nhịp bước gập gềnh, có những già làng tóc râu bạc trắng, bên bếp lửa hồng, kể mon thâu đêm suốt sáng. Nơi đó có những đêm hội làng rạo rực tiếng chiêng, trai gái say sưa múa hát. Hát từng đám say chiêng, hát từng đôi thành vợ thành chồng.
Chân dung NSƯT Đinh Kim Nhớ |
T.L |
Năm 1955, Kim Nhớ được vào học trường dân tộc nội trú Trung Ương ở Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình). Bạn bè và thầy cô ở trường nhanh chóng nhận ra bản tính yêu hát múa của cô gái H’re còn chưa thạo tiếng phổ thông. Như để thay lời bày tỏ, đổi trao, cô hát những bài dân ca khi vui, khi buồn, những bài ca lêu, ca choi mà các mẹ, các chị ở quê nhà vẫn hát. Nhiều khi nương theo giai điệu sẵn có Kim Nhớ cất lên những lời ca bỗng nhiên vọng ra tự đáy lòng mình. Vào thời gian này, nhạc sĩ Nhật Lai (1931- 1987) đang làm nhiệm vụ đi tìm những tài năng âm nhạc người dân tộc ít người Tây Nguyên – Trường Sơn để bổ sung lực lượng xây dựng Đoàn văn công Tây Nguyên. Với tấm lòng của nhạc sĩ tài năng, đã nhiều năm gắn bó máu thịt với Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp, Nhật Lai đã nhanh chóng nhận ra năng khiếu bẩm sinh của Kim Nhớ khi lần đầu tiên anh gặp cô, nghe cô hát những bài dân ca H’re. Kim Nhớ được nhạc sĩ Nhật Lai đưa về Đoàn và giới thiệu vào học Trường Âm nhạc Hà Nội từ năm 1961 đến năm 1963.
Chuẩn bị hành trang cho Kim Nhớ vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, bài học đầu tiên mà Nhật Lai dành cho cô không phải là những nốt nhạc, điệu thức hay phong cách biểu diễn sân khấu, mà là lời khuyên chí tình:“Là người ca sĩ thì hãy hát theo tiếng hát của lòng mình, hãy giữ cho tâm hồn mình trong sáng và hãy nghĩ đến bản làng, đến đồng bào mình khi cất lên tiếng hát, lời ca”.
Lời khuyên của Nhật Lai như gợi đúng điều mà Kim Nhớ đã mơ hồ cảm nhận, mơ hồ nhìn thấy nhưng chưa gọi thành lời. Trên bước đường lao động nghệ thuật nhiều hạnh phúc nhưng cũng lắm cay đắng, gian nan, Kim Nhớ vẫn nhớ như in những gì mà Nhật Lai đã nói với chị từ buổi ban đầu ấy. Khi được hỏi: điều gì khiến chị trở thành ca sĩ biểu diễn thành công nhiều ca khúc của Nhật Lai mà hầu như không một ca sĩ cùng thời nào sánh được, Kim Nhớ trả lời khi đôi mắt ngước nhìn xa vắng như đang nói với người nhạc sĩ quá cố trọn đời vì cách mạng, vì nhân dân ở cõi thanh âm nào đó xa xăm: “Điều Nhật Lai dạy mình buổi đầu cũng chính là điều tâm niệm của cả đời anh ấy. Hình như không phải Nhật Lai dạy mình, mà là san sẻ...”.
Bảo rằng Đinh Kim Nhớ là nghệ sĩ của núi rừng thì cũng chẳng quá lời. Trong hành trình hoạt động nghệ thuật, Kim Nhớ đã biểu diễn thành công rất nhiều bài hát dân ca hoặc ca khúc mới dựa trên nền dân ca truyền thống của nhiều dân tộc ít người Trường Sơn, Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc. Cuối năm 1962, Kim Nhớ được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam và trở thành ủy viên Ban chấp hành từ năm 1963 đến 1983. Chị đã được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, được nhận nhiều huân chương, huy chương của Bulgaria, Campuchia... và được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT đợt I - năm 1984.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu âm nhạc và nhiều nhạc sĩ có uy tín (Nguyễn Thụy Kha, Phú Quang...), Đinh Kim Nhớ là ca sĩ hàng đầu trong số các ca sĩ chuyên nghiệp dân tộc ít người những năm 1960-1970.
Về với bản làng H’re hôm nay, chẳng khó khăn mấy để có thể nghe giọng hát của một bà mẹ hay một cô gái nào đó cất lên bài hát ru em dân tộc H`re do chính Kim Nhớ sáng tác trên nền giai điệu của những bài hát ru H`re nguyên gốc. Bài hát thắm thiết tình người, thể hiện sâu sắc tình cảm của đồng bào đối với sông núi quê hương, Bác Hồ, Cách mạng, nhưng giữ được vẹn nguyên cái trong trẻo, hồn nhiên của suối chảy, mưa ngàn, khiến người nghe cảm thấy như ngọn gió tâm hồn H`re thổi suốt cõi lòng mình. Kim Nhớ là thế, hát là nhập với sâu thẳm của tâm hồn, để từ nơi ấy lời ca, giọng hát cất lên, vút cao, lan tỏa, tìm đến với lòng người, gợi sự sẻ chia đồng điệu.
Núi rừng Sơn Hà - quê hương NSƯT Đinh Kim Nhớ |
T.L |
Kim Nhớ là người H`re đầu tiên được gặp Bác Hồ, được nhiều lần hát cho Bác nghe, được Bác ân cần khuyên bảo, tặng quà. Chị còn nhớ như in kỷ niệm lần đầu gặp Bác Hồ vào một đêm mưa năm 1960, hát cho Bác Hồ và bác Phạm Văn Đồng nghe bài Thương anh bộ đội theo làn điệu dân ca H`re. Bác Hồ bảo Kim Nhớ hát lại, rồi Bác khen và căn dặn: “Cháu hát hay lắm, nhưng cần phải luyện tập cho hay hơn, làm cho mọi người biết nghệ thuật của người H`re mình”. Xúc động quá, nước mắt chị giàn giụa. Bất giác ngước nhìn bác Phạm Văn Đồng, Kim Nhớ thấy đôi mắt kiên nghị và sắc sảo của người đồng hương đáng kính ấy cũng rưng rưng. Sau này chị mới biết, trong kháng chiến chống Pháp, bác Phạm Văn Đồng có thời gian dài sống với đồng bào miền Tây Quảng Ngãi, biết tiếng H`re, hiểu khá sâu sắc đời sống và văn hóa đồng bào các dân tộc.
Người H’re là một dân tộc chỉ có số dân đứng hàng thứ 17/54 trong danh mục các dân tộc Việt Nam nhưng có một nền văn hóa truyền thống phong phú độc đáo, Đặc biệt là kho tàng dân ca, dân nhạc với những làn điệu ca choi, ca lêu, những nhạc cụ như: cồng, chiêng, đàn brooc, brang, đàn môi, b’bút,... Ngoài gia đình NSƯT Đinh Kim Nhớ, dân tộc H’re còn có những tên tuổi đóng góp đáng kể vào các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật như 2 chị em NSND Xuân La, NSƯT Xuân Va, các nhà thơ Đinh Xăng Hiền, Nga H’ve. Và câu chuyện về mỗi người trong số họ, cũng như câu chuyện về dòng máu bất khuất của người H’re sẽ là những sợi chỉ thêu lấp lánh sắc màu dệt thành những mon - trường ca H’re thời hiện đại.
NSƯT Đinh Kim Nhớ qua đời ngày 10.6.2003 (hưởng thọ 63 tuổi), để lại trong lòng người yêu mến hình ảnh một nghệ sĩ gắn bó tha thiết với núi rừng quê hương, trân trọng như ngọc, như vàng từng câu ca, lời hát bình dị, mộc mạc của bà con các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi.
Bình luận (0)