Cánh diều vẫn thiếu gió

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
12/04/2019 06:29 GMT+7

Tối nay, 12.4, lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều 2018 do Hội Điện ảnh VN tổ chức sẽ diễn ra lúc 20 giờ tại Nhà hát Quân đội - Q.Tân Bình, TP.HCM (truyền hình trực tiếp trên VTV2).

Dù thị trường điện ảnh Việt đang sôi động, nhưng xem ra Cánh diều năm nay vẫn “thiếu gió” vì ít phim tham dự, nhà sản xuất thì thờ ơ và chuyện ai đoạt giải vàng cũng chỉ là “so bó đũa chọn cột cờ”.

Nhà làm phim tư nhân thờ ơ

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN, số lượng phim Việt ra rạp tính từ 1.1 - 31.12.2018 là 35 phim, và thống kê riêng từ đầu năm nay đến hết tháng 3, có 12 phim VN phát hành tại rạp. Tuy nhiên, ở giải thưởng Cánh diều lần này, số phim tham dự giải chỉ có 14 phim (tính cả 2 phim chiếu trong năm 2019 là Trạng Quỳnh, Vu quy đại náo), thiếu nhiều phim nổi đình đám trên thị trường, chẳng hạn hai phim đang “hot” có doanh thu cao nhất nhì hiện nay là Hai PhượngCua lại vợ bầu. 12 phim dự giải là do tư nhân sản xuất, chỉ có 2 phim Thạch ThảoNơi ta không thuộc về có yếu tố nhà nước.
Lý giải điều này, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, cho biết: “Ban tổ chức đã thông báo đến từng công ty nhưng nhà sản xuất có gửi phim để tranh giải hay không là quyền của họ, chúng tôi không thể ép buộc”. Đạo diễn Lê Hồng Chương, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN, nói thêm: “Có thể các nhà sản xuất tư nhân có tính toán riêng của họ và chọn lựa tham gia giải nào thì hợp với phim của họ hơn, còn chúng tôi vẫn luôn mở cửa... chờ”.
Cũng trong khuôn khổ lễ trao giải Cánh diều, tọa đàm Sáng tác điện ảnh, truyền hình 2018 quy tụ nhiều quan chức điện ảnh, các đạo diễn khu vực hãng phim nhà nước và đông đảo giới nghiên cứu lý luận phê bình, nhưng tuyệt nhiên vắng bóng các đạo diễn đương thời đang làm phim, cũng như các nhà sản xuất tư nhân. Trong hội trường, chỉ có sự xuất hiện của đạo diễn Mai Thế Hiệp - “cha đẻ” bộ phim Thạch Thảo - dự án được nhà nước tài trợ 70% kinh phí, đặt hàng thực hiện.
Sự thờ ơ của các nhà làm phim tư nhân với giải thưởng điện ảnh thường niên này cho thấy các đơn vị sản xuất tư nhân đang thực sự không mặn mà mang phim thi thố Cánh diều. Tuy nhiên, nhà phê bình lý luận điện ảnh Đoàn Tuấn cho rằng: “Chất lượng phim Việt năm qua không tới đâu nên cũng có thể là nguyên nhân họ tránh không tham dự giải thưởng. Phim hài thì nhảm nhí, rẻ tiền; phim hành động đa số sử dụng kỹ xảo chứ không phải tài nghệ thực của diễn viên, mà kỹ xảo thì lại sử dụng cũ kỹ như các phim trong khu vực châu Á cách đây 10 năm; còn kịch bản thì đi mua lại thứ có sẵn để làm...”.
Quách Ngọc Ngoan trong phim Người bất tử
Quách Ngọc Ngoan trong phim Người bất tử

Tìm “vàng” khi so bó đũa

Không chỉ có hạng mục điện ảnh gây được sự chú ý của dư luận, ở thể loại phim truyền hình dài tập cũng là sự cạnh tranh quyết liệt đến từ 10 phim thu hút khán giả trong năm 2018: Quỳnh búp bê, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán, Tình khúc bạch dương, Ngày ấy mình đã yêu… Cuộc cạnh tranh này hẳn sẽ làm khó cho ban giám khảo cả ở phim hay nhất lẫn giải thưởng cá nhân.
Nhận định về chất lượng phim Việt tham dự giải năm nay, PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, Trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh Cánh diều 2018, cho biết: “Mặt bằng chung phim Việt dự giải nổi trội vài phim tốt, nhưng cũng có tác phẩm chưa thuyết phục: thể hiện cũ kỹ, dàn trải, lơ mơ, xử lý tình huống kém, lúng túng như kiểu cứ lên ngựa chạy mãi rồi không biết dừng ở đâu; và đâu đó vẫn còn các phim có sự bắt chước phim nước bạn nên đã làm mờ đi văn hóa dân tộc. Cái yếu kém nhất của phim Việt vẫn là kịch bản khi đa số cấu trúc dàn trải, đường dây đứt khúc với những “ngẫu nhiên” vô lý, từ trên trời rơi xuống, gây ra sự không thông suốt cho khán giả khi xem phim. Phim hài bớt nhảm, nhưng vẫn thiếu tiếng cười châm biếm sâu sắc để xây dựng con người, xã hội. Đa số các phim đề cập đến những vấn đề vụn vặt của đời sống, mô tả biểu hiện bên ngoài, thiếu sâu sắc, không đưa ra được thông điệp cần thiết hoặc những vấn đề bức xúc, “có tầm” của xã hội. Phải nói phim Việt hiện tại rất thiếu và yếu giá trị văn học cũng như văn hóa dân tộc”.
Chính vì thế, không khó nhận ra ứng cử viên nào sáng giá trong số 14 phim năm nay theo tiêu chí của giải: đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Hiện Song lang được ghi nhận có sự trau chuốt về xúc cảm và nghệ thuật trong dàn dựng (hạn chế là làm chưa tới với cảm xúc lửng lơ cho người xem), và là ứng cử viên số 1 của giải vàng do phim đề cập đến bộ môn nghệ thuật cải lương. TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), ghi nhận: “Song lang là một trong những tác phẩm hướng tới giá trị nghệ thuật, tới bản sắc dân tộc và điều đó cần được khuyến khích, động viên”.
Dễ dàng thấy Song lang của đạo diễn Leon Quang Lê chỉ phải cạnh tranh với Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ để giành giải Cánh diều vàng Phim truyện điện ảnh hay nhất, cũng như ở giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Xét về độ hoành tráng, chuyên nghiệp, Người bất tử hơn hẳn Song lang nhưng phim lại bị bất lợi ở câu chuyện dàn trải quá dài. Dù thắng hay thua ở giải vàng thì Người bất tử vẫn được ghi nhận đã đóng góp một bước tiến mới về công nghệ kỹ xảo cho điện ảnh Việt, đồng thời còn thể hiện khát khao vươn đến một tầm cao mới của một đạo diễn tâm huyết với nghề.
Tháng năm rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng tuy thành công về doanh thu lẫn nghệ thuật, nhưng lại là phim remake (làm lại từ kịch bản nước ngoài) nên khó có cơ hội đoạt giải vàng phim hay nhất. Riêng Hoàng Yến Chibi với vai cô nữ sinh Hiểu Phương có nhiều lợi thế để giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất khi so kè với Phương Anh Đào trong phim Chàng vợ của em. Ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất sẽ là sự cạnh tranh của Quách Ngọc Ngoan (Người bất tử) - diễn xuất chín muồi, kỳ công, và Liên Bỉnh Phát (Song lang) - gương mặt mới triển vọng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.