Cánh én giữ biển trời

22/05/2016 07:50 GMT+7

Những người lính Trung đoàn Không quân 937 không ngừng rèn luyện, huấn luyện bay, sẵn sàng bảo vệ biển trời Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trong suốt 36 năm làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời vùng biển Tổ quốc, thiếu tướng Lâm Quang Đại, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã có 18 năm với hàng trăm giờ bay tiêm kích bom Su-22M4 chuyên biệt bảo vệ Trường Sa, thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Ông bảo: “Cũng do cái nôi Su-22M4 nằm ở nơi khó khăn khắc nghiệt nhất VN mà các thế hệ phi công Trường Sa đều rất nhanh cứng cáp và bản lĩnh”.
Thiếu tướng Đại quê ở Tứ Kỳ (Hải Dương), khi mới học lớp 9/10 đã trúng tuyển phi công, vào học tại Trường dự bị khóa bay không quân và được đưa sang Liên Xô (cũ) học lái máy bay quân sự. Về nước với kết quả học xuất sắc, ông được đưa ngay vào khung huấn luyện cấp tốc, phục vụ yêu cầu bảo vệ tuyến biên giới phía bắc. Giữa năm 1988, ông là một trong số ít phi công được chọn đưa vào sân bay Phan Rang tái lập Trung đoàn KQ 937 (khi đó thuộc Sư đoàn KQ 372) chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời nam Trung bộ và chi viện, bảo vệ quần đảo Trường Sa, khu vực kinh tế biển ở thềm lục địa phía nam. “Cuối năm 1988, tàu vận tải chở 4 chiếc Su-22M4 cập cảng Đà Nẵng, chúng tôi ra tiếp nhận, lắp ráp và bay thử. Đầu tháng 3.1988, trung đoàn tiếp nhận 4 chiếc Su-22M4 đầu tiên và chuyển về Phan Rang làm nhiệm vụ”, thiếu tướng Đại nhớ lại.
Cánh én giữ biển trời 2
Biên đội Su-22M4 cất cánh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hiện diện ở Trường Sa
Theo thiếu tướng Đại, ngày 19.10.1989, biên đội Vũ Kim Điến - Nguyễn Văn Thận điều khiển 2 máy bay tiêm kích bom Su-22M4 cất cánh từ sân bay Phan Rang thẳng ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ tuần tiễu. Đây là sự kiện quan trọng khẳng định khả năng tác chiến trên biển xa của Không quân VN... Tuy nhiên, ít ai biết trước khi Su-22M4 (thời điểm ấy là máy bay hiện đại nhất trong biên chế Không quân VN) ra tuần tiễu Trường Sa, các phi công VN đã thầm lặng thực hiện các chuyến bay trên Su-22 cũ kỹ làm các nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu... Đặc biệt, sau sự kiện 14.3.1988, Trung đoàn KQ 923 được lệnh cơ động 2 biên đội máy bay Su-22 vào tăng cường ở sân bay Phan Rang. Cuối tháng 6.1988, thêm nhiều máy bay Su-22 từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) được đưa vào Phan Rang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Trong hai ngày 24 và 26.6.1988, biên đội gồm 2 máy bay Su-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên của không quân chiến đấu ra đảo Trường Sa và Phan Vinh, thể hiện quyết tâm của bộ đội không quân trong sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa phía nam Tổ quốc.
Về chuyến bay “mở đường” cho Su-22M4 và cũng là chuyến bay lần đầu tiên trong đời ra Trường Sa, thiếu tướng Đại nhớ lại: “Hôm ấy, anh Âu Văn Hùng (trung đoàn trưởng) bay số 1, tôi bay số 2. Ra biển, không có vật tiêu vật chuẩn, không có nhiều đài dẫn đường như bay trong đất liền, nhìn trên trời dưới biển chỉ một màu xanh giống nhau, nếu không tỉnh táo và chú ý thiết bị, rất dễ lao xuống biển. Sau một thời gian bay, chúng tôi tiếp cận đảo Trường Sa Lớn, nhìn từ trên xuống thấy lơ thơ mấy cây dừa. Bay qua vòng đầu tiên, anh em trên đảo cứ tưởng máy bay nước ngoài nên vào công sự, đến vòng thứ 2 một số anh em lúc ấy mới được thông báo, truyền tai nhau (việc không quân bay ra Trường Sa, chỉ một số cán bộ trên đảo biết trước) và chạy hết ra đường băng tung mũ, vẫy áo. Một số anh em ào vào đơn vị dẫn đường đóng trên đảo, hổn hển nói qua máy đối không: Các anh ơi, quay lại lần nữa đi, cho chúng em yên tâm”.
Sau chuyến bay đầu tiên đó, hằng tuần đều có Su-22, Su-22M4 bay ra tuần tiễu trên các đảo Trường Sa và các phi công của Trung đoàn 937, tiêu chuẩn đầu tiên là phải thông thuộc vùng trời Trường Sa, nhà giàn DK1. Những chuyến bay này, không chỉ làm nhiệm vụ tuần tiễu, trinh sát, động viên bộ đội mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền vùng biển, hải đảo của chúng ta...
Cánh én giữ biển trời 3
Hoàn thành chuyến bay
Thấy đảo như thấy quê nhà
Chúng tôi vào sân bay Phan Rang đúng thời điểm khô hạn nhất trong năm, nhiều tháng cả tỉnh Ninh Thuận không có mưa. Thượng tá Phạm Đức Doanh, Trung đoàn trưởng 937 (Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) khoát tay chỉ khoảng không ngờm ngợp nắng gió, bảo: “Khí tượng báo 35 độ C, nhưng thực tế ngoài sân bay phải lên tới 50 độ do sức nóng bốc lên từ nền bê tông và động cơ máy bay tỏa nhiệt. Hôm rồi, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga kiểm tra trọng lượng phi công, ghi nhận tình trạng sút cân tạm thời từ 1,5 - 2 kg. Phi công bay xong xuống đất, ai cũng hốc hác, khô kiệt, bộ đồ bay ướt sũng mồ hôi, vắt ra thành nước”.
Nhưng có khắc nghiệt, gian nan đến thế nào thì nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện bay vẫn phải đảm bảo. Thượng tá Hoàng Văn Chiến, Chính ủy trung đoàn, cao to trắng trẻo như Tây, vỗ vai chúng tôi: “Là chỉ huy nhưng chúng tớ vẫn bay bình thường. Đến thủ trưởng quân chủng như thiếu tướng Lâm Quang Đại, thi thoảng vẫn từ Hà Nội vào, bay đơn tuần tiễu Trường Sa”.
Ở cái nôi Su-22M4 tiêm kích bom này, cứ ngày bay là có mặt đầy đủ, từ trưởng đến phó, người thì bay kèm cặp phi công trẻ, người trực tiếp chỉ huy bay, người đảm bảo thông tin dẫn đường... Thiếu tá Lê Hồng Long, Phó chủ nhiệm chính trị của trung đoàn, phụ trách mảng công tác không liên quan trực tiếp đến chiến đấu, nhưng cũng mướt mải bay cùng phi công. Nhà ngay cổng đơn vị mà mỗi tuần anh cũng chỉ về với vợ con từ trưa thứ bảy đến trưa chủ nhật. Long bảo: “Vợ làm VNPT Ninh Thuận nhưng phải xin chuyển về làm công nhân viên trong trung đoàn. Thu nhập kém hơn song có thời gian chăm 2 con, lo việc gia đình và nhất là được gặp chồng hằng ngày...”.
Những ngày ở Phan Rang, nghe các thế hệ chỉ huy kể chuyện bay Trường Sa, chung niềm vui cùng những phi công vừa bay về và háo hức theo các phi công 9X mong được nghiêng cánh chào Trường Sa, tự dưng chúng tôi ước có cảm xúc của đại úy Nguyễn Anh Lưu (30 tuổi, nhà ở Nam Đàn, Nghệ An): “Thấy đảo của mình xanh um cây cối và lá cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà Trường Sa Lớn, như thể gặp lại quê nhà”.
Trường Sa không xa bởi những cánh bay bảo vệ của các “hậu duệ bầu trời”, bao năm như thế...
9X làm chủ bầu trời
Thiếu úy Phạm Thanh An (26 tuổi, nhà ở Uông Bí, Quảng Ninh) cao 1,72 m, nặng 70 kg, thuộc dạng “còi” nhất trong số 7 phi công vừa tốt nghiệp K39 chuyên ngành chỉ huy tham mưu - phi công quân sự của Trường Sĩ quan Không quân, đang học chuyển loại tiêm kích bom Su-22M4 tại Trung đoàn 937. Thấy An ngồi bệt trước hiên nhà cắm cúi đọc sách, chúng tôi tò mò: “Đọc gì vậy”, khiến anh chàng khuôn mặt khôi ngô cười lỏn lẻn: “Em đọc Sổ tay phi công Su-22M4. Cái này luôn mang theo người, rảnh là phải đọc để thuộc lòng cách xử lý các tình huống khi lên trời”. Hỏi chuyện mới biết An học xong THPT, thi đại học nhưng trượt. Dịp vào Nha Trang thăm người nhà, thấy máy bay huấn luyện ngang qua thành phố, cậu dò hỏi khiến ông bác giật mình: “Mày tướng tá được, vào khám tuyển xem sao?”. Hôm sau, cậu vào Trường Sĩ quan Không quân khám và... đậu tăm tắp qua các vòng sơ khảo kiểm tra sức khỏe. Vậy là An quyết tâm ra lại Quảng Ninh ôn thi vào Trường Sĩ quan Không quân và đậu với lý do rất đơn giản: “Các bạn bằng tuổi mình làm được, tại sao mình không?”.
Mới 24 tuổi, thiếu úy Phan Bá Thi Nhân được xem như út ít nhất trong số các phi công trẻ của trung đoàn. Nhà Nhân ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) nên cậu được bố mẹ cho vào TP.HCM học Trường quốc tế Á Châu. Học đến lớp 11, Nhân xin nghỉ về quê khám tuyển phi công và thi vào sĩ quan không quân chỉ vì ước mơ được bay như bố ngày xưa (nguyên phi công Trung đoàn 490). “Hồi đầu em cũng định đi du học nước ngoài, nhưng nghĩ lại mới thấy là trẻ con vì đi xa Tổ quốc, lại một thân một mình. Vào đây em có bạn bè đồng đội và nhất là cùng có chung ước mơ bay lên trời, tuyệt lắm”, Nhân tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.