Ngày 30.6, thông qua mạng xã hội (MXH) Facebook, chị T.T.N.Q (39 tuổi, Q.7, TP.HCM) liên hệ với ông T.H.Tr, tự xưng là Giám đốc của Công ty TNHH dịch vụ Happytrip có địa chỉ trên đường Tô Hiến Thành (P.13, Q.10, TP.HCM) để đặt tour du lịch ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho cả gia đình.
Do nhiều lần trước đó, chị Q. đặt tour du lịch từ ông Tr. đều diễn ra thành công nên tin tưởng. Thỏa thuận xong, chị Q. đã chuyển tiền cọc (gần 11 triệu đồng) vào tài khoản có tên Công ty TNHH dịch vụ Happytrip do ông Tr. cung cấp.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn, chị Q. gọi cho ông Tr. xác nhận tour thì người này trì hoãn, không trả lời. Sau đó, ông Tr. chặn số điện thoại, cắt đứt mọi liên lạc với chị Q. Khi chị Q. liên lạc với phía resort và các điểm đến trong hợp đồng thì được nhân viên ở đây khẳng định không có tour nào được đặt và cho biết thêm đã có rất nhiều khách hàng phản ánh bị ông Tr. giả mạo ủy nhiệm chi của những nơi này để lừa đảo.
Vạch trần thủ đoạn lừa đảo đặt tour du lịch, vé máy bay, khách sạn… qua mạng |
Trang Facebook của công ty dịch vụ du lịch lừa đảo được đầu tư rất chuyên nghiệp |
TRẦN DUY KHÁNH |
Ngày 25.7, chị Q. làm đơn trình báo vụ việc với Công an P.13 (Q.10, TP.HCM). Công an P.13 cho biết đã tiếp nhận đơn phản ánh của người dân từ nhiều tỉnh, thành trình báo bị ông Tr. lừa đảo, lần gần nhất là một trường hợp ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) với số tiền khoảng 4 triệu đồng.
Theo cán bộ Công an P.13, đây thực chất là công ty “ma”, hoạt động trên địa bàn chưa đến 1 tháng: “Chúng tôi đến địa chỉ được nêu trong đơn phản ánh để xác minh thì được biết người này thuê phòng trọ hoạt động từ tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 2018 thì trả phòng. Trên Facebook, trang này cũng chặn những bình luận phàn nàn của khách hàng”. Hiện Công an P.13 (Q.10) đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan mở rộng điều tra, xác minh.
Ngày 27.7, trong vai người có nhu cầu đặt tour du lịch, chúng tôi liên lạc với ông Tr. thì ông này vẫn trả lời và tư vấn về các gói du lịch. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đề cập việc có nhiều người phản ánh bị lừa đảo thì người này tắt máy và chặn số điện thoại.
Kém may mắn hơn chị Q., anh T.C.D (ngụ TP.HCM) bị lừa đảo đến 104 triệu đồng. Theo anh D., những lần trước, anh đặt vé máy bay từ một người quen trên mạng và mọi chuyện đều diễn ra thành công. Nhưng vào giữa tháng 7.2022, sau khi đặt vé, người quen trên yêu cầu anh D. chuyển 104 triệu đồng đặt cọc, thanh toán 2 vé máy bay khứ hồi cho chuyến Việt Nam - Ukraine, vì tin tưởng nên anh D. đã chuyển tiền. Thế nhưng, ác mộng của anh D. bắt đầu từ đây.
Ngày 17.7, anh D. cùng đồng nghiệp đóng hành lý, bắt xe ra sân bay, chờ đến giờ khởi hành. Tuy nhiên, đến giờ bay, anh D. không nhận được vé, liên lạc thì người này viện lý do chuyến bay bị dời đến ngày 19.7. Hai ngày sau, anh D. cùng đồng nghiệp tiếp tục tay xách nách mang hành lý ra sân bay ngồi chờ nhiều giờ đồng hồ, nhưng cũng không có vé… “Đến lần thứ 3, tôi bảo thôi chị làm thế này thì em không làm việc tiếp, mong chị trả lại tiền cho em. Xong chị ấy hứa sẽ trả, nhưng tôi gọi mãi thì không được”, anh D. bức xúc.
Về thực trạng này, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) và công an nhiều tỉnh, thành đã phát đi thông tin cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua đặt tour du lịch giá rẻ trên MXH.
Theo cơ quan công an, các chiêu trò lừa đảo này không mới nhưng tinh vi và vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy. Các nhóm tội phạm lợi dụng thời điểm kỳ nghỉ hè, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Nhóm lừa đảo lập các trang Facebook, Zalo, MXH hoặc hack tài khoản của người sử dụng MXH có lượt kết bạn, tương tác cao, sau đó đổi tên thành tài khoản giả danh nhân viên, cộng tác viên bán hàng của các công ty cung cấp dịch vụ du lịch uy tín. Sau đó, các trang này mời chào mua bán các gói du lịch có điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng trong và ngoài nước với giá rẻ đến 50% so với giá gốc, gồm trọn gói vé máy bay khứ hồi, ăn uống, nghỉ ngơi khách sạn hạng sang.
Để lấy lòng tin của nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ thay đổi tên tài khoản MXH gần giống tên chủ tài khoản ngân hàng rồi sau đó thỏa thuận, yêu cầu nạn nhân phải chuyển từ 30 - 50% giá trị, có trường hợp yêu cầu chuyển 100% giá trị để được tranh suất tour. Sau khi nhận tiền cọc, nhóm lừa đảo sẽ chặn số điện thoại, Zalo, Facebook, ngắt liên lạc với nạn nhân rồi âm thầm biến mất.
Bình luận (0)