Cảnh giác khi 'làm đẹp'

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
17/02/2023 08:11 GMT+7

Hàng loạt cơ sở thẩm mỹ không phép bị cơ quan chức năng ở TP.Đà Nẵng xử lý, nhưng nhiều khách hàng vẫn thiếu cảnh giác khi đi làm đẹp…

Đầu tháng 2, UBND Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) xử phạt bà Võ Thị Y Nữ (31 tuổi, chủ cơ sở chăm sóc da, phun thêu thẩm mỹ Carla Beauty Center ở P.Chính Gián, Q.Thanh Khê) số tiền 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng, tước giấy phép khám chữa bệnh 3 tháng. Bà Nữ cũng bị tước chứng chỉ hành nghề 2 tháng. Đây là cơ sở thẩm mỹ bị Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an Q.Thanh Khê phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong đợt đột kích ngày 30.12.2022, như sử dụng thuốc, thiết bị can thiệp vào cơ thể người, xăm, phun, tiêm thuốc gây tê trong cơ sở này khi không phải là bệnh viện, phòng khám chuyên khoa hay cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn thẩm mỹ. Người thực hiện thẩm mỹ cũng không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Cảnh giác khi 'làm đẹp' - Ảnh 1.

Cảnh giác khi 'làm đẹp' - Ảnh 2.

Một số cơ sở làm đẹp ở địa bàn Q.Thanh Khê bị kiểm tra, phát hiện vi phạm

N.T

Cũng trong tháng 12.2022, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an Q.Thanh Khê bắt quả tang cơ sở chăm sóc da đường Bàu Hạc 1 (P.Vĩnh Trung, Q.Thanh Khê) đang phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín cho khách hàng nữ, dù đây không phải là bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ. Chủ cơ sở này bị xử phạt 70 triệu đồng, đình chỉ hoạt động.

HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO

Trước đó, tháng 8.2022, Thẩm mỹ viện Ánh Diệu Nguyễn (Công ty TNHH TMV New Seoul, ở Q.Thanh Khê) của bà Nguyễn Thị Ánh Diệu (30 tuổi, quê Quảng Trị) cũng bị UBND TP.Đà Nẵng phạt 210 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng. Nguyên do, cơ sở này bị Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an Q.Thanh Khê bắt quả tang đang nâng mũi, cắt mí mắt cho 2 khách nhưng không có giấy tờ đảm bảo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Tang vật thu giữ có hơn 500 sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở còn được xác định quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về năng lực như đăng tải, chia sẻ thông tin về quá trình tiêm filler, nâng mũi, bơm ngực của cơ sở thẩm mỹ khác nhưng tự nhận là của cơ sở mình.

Bất chấp các quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện chăm sóc da trên địa bàn TP.Đà Nẵng thu hút khách hàng bằng những lời quảng cáo hấp dẫn, sử dụng tên gọi công nghệ mới, với các gói khuyến mãi, ưu đãi.

Trung tá Hoàng Thị Việt Nga, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an Q.Thanh Khê

Còn tại Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội (ở Q.Thanh Khê), tuy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh spa, chăm sóc da, không có giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nhưng vẫn tự đặt tên "thẩm mỹ viện", tư vấn khám chữa bệnh và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho khách từ năm 2018. Ngày 26.12, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Đà Nẵng bắt quả tang cơ sở này đang phẫu thuật thẩm mỹ cho 4 người, trong đó 1 người vừa nâng mũi xong, 1 người đang cắt mí, 2 người vừa được gây tê chuẩn bị mổ…

Không chỉ hoạt động chui, đã có cơ sở thẩm mỹ gây biến chứng cho khách hàng. Như trường hợp chị T.T.V (28 tuổi, ngụ H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở Q.Hải Châu hồi tháng 8.2022 gặp biến chứng (da mặt bầm tím, sụp mí mắt, không mở được mắt). Khi đến Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị thì mắt phải đã mất thị lực do bị tắc mạch, liệt 4 dây thần kinh, viêm hoại tử mô quanh hốc mắt phải; sau đó Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Theo Công an Q.Thanh Khê, với đặc thù địa bàn nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động, đơn vị đã kiểm tra 11 cơ sở và xác định hầu hết đều vi phạm. Trong đó, có 4 cơ sở vi phạm nghiêm trọng, chủ yếu là bơm, tiêm hóa chất can thiệp cơ thể người, người hành nghề không có chứng chỉ... Trung tá Hoàng Thị Việt Nga, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an Q.Thanh Khê cho biết những cơ sở thẩm mỹ bị Công an Q.Thanh Khê phát hiện vi phạm vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tràn lan của tình trạng này. "Bất chấp các quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện chăm sóc da trên địa bàn TP.Đà Nẵng thu hút khách hàng bằng những lời quảng cáo hấp dẫn, sử dụng tên gọi công nghệ mới, với các gói khuyến mãi, ưu đãi", trung tá Nga nói.

Vì vậy, Công an Q.Thanh Khê khuyến cáo người dân, nhất là chị em phụ nữ, thận trọng khi chọn nơi để làm đẹp. Đừng vì những quảng cáo không căn cứ trên mạng xã hội hoặc giá rẻ rồi tìm đến những cơ sở hoạt động chui, dễ tiền mất tật mang, thậm chí nguy hại đến tính mạng.

Bị đòi lại tiền vì… làm hoài không đẹp

Tại TP.Đà Nẵng, Viện thẩm mỹ quốc tế Gang Nam (68 Lý Tự Trọng, Q.Hải Châu) vừa hoạt động thời gian ngắn đã đóng cửa (năm 2019) vì bị 7 phụ nữ đòi lại 400 triệu đồng. Nguyên do, các phụ nữ này chọn các gói làm đẹp nâng ngực, thu vòng eo, tẩy trắng da… nhưng không hiệu quả, các loại thuốc tiêm vào người cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.