Số tài khoản ngân hàng truyền thống được gắn với một dải chữ số theo cấu trúc và độ dài riêng theo quy định của từng ngân hàng, nhưng thường khó nhớ khiến người dùng phải lưu lại hoặc tốn thời gian học thuộc. Để giải quyết vấn đề đó, thời gian gần đây một số ngân hàng Việt Nam đưa ra tính năng thay đổi, gán tên riêng, nickname (biệt danh) của người dùng vào số tài khoản thông qua ứng dụng trên di động.
Người dùng có thể đặt gần như mọi tên họ muốn cho tài khoản |
Anh quân |
Ví dụ, thay vì một chuỗi dài 9 - 14 chữ số được sắp xếp khó tìm ra quy luật để ghi nhớ, người dùng có thể đổi thành tên đặc biệt (viết bằng chữ cái, ký tự số) như LEVANA, KHANHXINHGAI... Những biệt danh này khi sử dụng trong giao dịch chuyển khoản sẽ thuận tiện hơn cho cả người nhận lẫn người gửi vì dễ nhớ, dễ viết mà không cần đọc lại quá nhiều lần. Biệt danh được gắn cố định với một số tài khoản của người dùng (trong trường hợp có nhiều số khác nhau trong một tài khoản sẽ chỉ được chọn một số).
Xu hướng này nhanh chóng được người dùng tại Việt Nam đón nhận và trở thành điểm khác biệt để họ khoe với bạn bè, người thân. Vài ngày qua, đã có nhiều ngân hàng chính thức triển khai tính năng này cho người dùng trên ứng dụng di động và được hưởng ứng, chia sẻ rộng khắp trên các mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hứng khởi của trào lưu mới, không ít người tỏ ra lo ngại về khả năng giả mạo thông tin, đánh vào tâm lý bất cẩn của một bộ phận người dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng lớn tuổi, để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo đó, thay vì gán biệt danh vào tài khoản, kẻ gian có thể đặt tên của người nổi tiếng, tổ chức, doanh nghiệp... để mạo danh và kêu gọi chuyển khoản vào đó. Trên thực tế, dù không phục vụ mục đích lừa đảo, đã có người dùng đặt thành công biệt danh gán tài khoản của mình thành tên của một... ngân hàng khác.
"Lấy ví dụ một người đặt tên tài khoản của mình theo người nổi tiếng, rồi lên mạng đăng bài kêu gọi từ thiện, yêu cầu mọi người chuyển tiền vào danh tính đó. Dù khi xác thực chuyển tiền sẽ hiện số tài khoản thực và tên người chủ thực sự đứng sau thông tin đó, nhưng không thể chắc chắn mọi người đều để ý tới vấn đề này mà vẫn tiếp tục chuyển tiền do 'tin tưởng' vào cái tên định danh người nổi tiếng được gán vào tài khoản", một chuyên gia bảo mật đặt vấn đề.
Việc đổi tên tài khoản gặp rất ít giới hạn |
Ông cũng cho biết hiện chưa thấy các ngân hàng đang áp dụng gán biệt danh vào tài khoản có thông tin cụ thể về cơ chế bảo mật, chống giả mạo tên cá nhân, tổ chức khác. "Khi tạo một tài khoản trực tuyến trên ngân hàng, người dùng phải trải qua các bước xác thực e-KYC (giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử), buộc phải sử dụng giấy tờ pháp nhân để chứng thực thông tin đăng ký. Tuy nhiên sau đó họ có thể gán gần như mọi cái tên mong muốn vào tài khoản nếu ngân hàng cho phép dịch vụ này mà không cần dùng tới e-KYC", vị chuyên gia giải thích.
Để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ chuyển khoản trên mạng, chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng nên cẩn trọng với các thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng, kiểm tra kỹ thông tin như số tài khoản, tên người nhận trước khi bấm xác nhận chuyển tiền. Đồng thời cần kiểm tra lại với mọi nguồn thông tin có thể để xác minh hoạt động đóng góp, từ thiện hoặc các hình thức kêu gọi tương tự.
Về phía ngân hàng, đại diện Vietcombank cho biết, trong quá trình khách hàng chuyển tiền, sau khi nhập biệt danh vào phần thông tin người nhận tiền, người dùng cẩn thận có thể lưu ý nhìn thêm dữ liệu thông tin tên, số tài khoản ngân hàng của người nhận bên dưới để kiểm tra độ chính xác. Trong quá trình đặt nickname, chủ tài khoản không được phép đặt tên danh nhân.
Bình luận (0)