Mua camera ngụy trang dễ như mua rau
Chỉ cần vào internet gõ từ khóa "camera…", lập tức xuất hiện hàng trăm cửa hàng rao bán camera ẩn, hoặc ngụy trang dưới nhiều vật dụng khác nhau như nút áo, ổ cắm sạc, cây viết, máy tính để bàn, bình cắm hoa, hộp khăn giấy… Giá bán các loại camera này cũng rất đa dạng, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Camera quay lén được ngụy trang thành chai dầu gội hoặc hộp sáp thơm, nhưng bên trong lại là thiết bị quay lén
ẢNH: ĐINH ĐANG
PV Thanh Niên đã liên hệ một shop tên T.L hỏi mua một chiếc camera ẩn và ngay lập tức được chủ shop giới thiệu các loại camera ngụy trang thành… hộp sáp thơm nhãn hiệu Oasis, cùng với một loại khác được ngụy trang thành chai dầu gội đầu nhãn hiệu Sunsilk. Nhìn từ bên ngoài, khó ai phát hiện được những vật dụng bình thường trong nhà tắm lại trở thành công cụ quay lén hết sức tinh vi.
"Mắt camera rất nhỏ được ẩn vào vị trí hình ảnh trên nhãn hộp, loại này sử dụng pin, mỗi lần sạc thì dùng được từ 13 - 15 tiếng, có wifi để xem trực tiếp trên điện thoại", chủ shop cho biết. Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại camera đặt trong nhà tắm có thể dính nước và bị hỏng, chủ shop T.L khẳng định: "Bị ướt cũng không sao, vì tất cả dây điện, thẻ nhớ, đều nằm bên trong".
Để chứng minh, chủ shop gửi một đoạn video mở chiếc nắp hộp sáp thơm của camera ngụy trang, quả nhiên bên trong không có sáp thơm mà chỉ có các thiết bị vi mạch của một chiếc camera quay lén.
Không chỉ các cửa hàng online mà ngay cả các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada cũng có bán những chiếc camera ngụy trang siêu nhỏ. Những loại này được ẩn trong chìa khóa xe máy, chìa khóa ô tô, đồng hồ đeo tay hoặc hộp quẹt... Một chủ shop có địa chỉ tại TP.Hải Phòng tư vấn: "Tiền nào của đó, có những người so sánh giá và ham rẻ, mua về những chiếc camera chỉ vài trăm ngàn đồng, dĩ nhiên những loại rẻ tiền thì không chất lượng, không giống như quảng cáo, thậm chí chỉ là món đồ chơi vô dụng. Ai có nhu cầu thật sự thì phải bỏ ra hàng triệu đồng mới có sản phẩm tốt, chứ ham rẻ thì có thể bị lừa".
Việc thị trường xuất hiện đầy rẫy sản phẩm camera ngụy trang khiến nhiều người có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Gần đây, người mẫu Châu Bùi đã chia sẻ về việc cô trở thành nạn nhân của camera quay lén. Theo đó, Châu Bùi phát hiện chiếc camera quay lén ngụy trang dưới vỏ bọc đồng hồ được giấu trong nhà vệ sinh, ghi lại hình ảnh của cô khi thay đồ chuẩn bị cho buổi chụp hình. Vụ việc này sau đó đã được cơ quan chức năng xử lý.
Thực tế cho thấy nguy cơ bị quay lén có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu và ai cũng có khả năng trở thành nạn nhân. Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an H.Can Lộc (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 tháng đối với N.K.G (37 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo cơ quan điều tra, tháng 9.2023, N.K.G đến một nhà nghỉ trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh giả vờ thuê phòng. Tại đây, G. đã lắp các thiết bị quay lén để ghi lại cảnh nhạy cảm của khách. Sau đó, G. dùng Facebook ảo liên hệ, nhắn tin cho bị hại, dọa sẽ tung cảnh nhạy cảm lên mạng xã hội hoặc gửi cho người thân, bạn bè nhằm mục đích tống tiền.
Đề phòng biến tướng tinh vi
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia an ninh mạng, đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn, thông tin: "Camera ẩn có thể được cài đặt với mục đích xâm phạm quyền riêng tư, như quay lén khách hàng ở khách sạn, nhà nghỉ, hay thậm chí ở nhà vệ sinh trường học, nơi công cộng… Nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý bệnh hoạn, biến thái của một số đối tượng nhưng cũng có thể mang động cơ đê hèn, có ý đồ sử dụng hình ảnh nhạy cảm, riêng tư được thu thập trái phép để thực hiện tiếp các hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi quay lén có thể gây tổn thương tâm lý, làm rò rỉ thông tin cá nhân và dẫn đến các hậu quả pháp lý, đặc biệt nếu dữ liệu bị phát tán trên mạng".
Theo ông Ngô Minh Hiếu, các loại hình sản phẩm quay lén có thể biến tướng thành nhiều vật dụng khác nhau, dù người dùng có cảnh giác cách mấy cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Vì vậy, để phòng tránh, người dân có thể dùng "công nghệ" để đối phó. Bởi bất kể camera nào, dù ngụy trang tinh vi đến đâu thì cũng phải có ống kính và cần có mạng wifi để hoạt động.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu hướng dẫn: Người dân có thể kiểm tra bằng cách tắt hết đèn trong phòng, sử dụng đèn flash của điện thoại để quét qua các khu vực khả nghi. Camera quay lén thường có ống kính nên có thể thấy ánh sáng phản chiếu từ ống kính của camera. Ngoài ra, hiện nay trên smartphone cũng có nhiều ứng dụng điện thoại được thiết kế để phát hiện camera quay lén. Một số ứng dụng phổ biến là "Hidden Camera Detector", "Fing" và "Glint Finder". Các ứng dụng này thường sử dụng camera của điện thoại để tìm kiếm ánh sáng phản chiếu từ ống kính hoặc quét sóng RF (radio frequency) từ camera không dây. Bên cạnh đó, người dân có thể mua, sử dụng thiết bị phát hiện camera quay lén chuyên dụng, thường có khả năng phát hiện sóng RF phát ra từ camera không dây hoặc sử dụng tia hồng ngoại để tìm kiếm ống kính camera…
Mạo danh lừa đảo khắp nơi
Sáng 4.9, nhiều người dùng bất ngờ khi kênh TikTok Chống Lừa Đảo có tích xanh bị rao bán bởi một tài khoản ẩn danh trên hội nhóm Facebook "Mua bán TikTok - admin checkscam" với 217.000 thành viên. Người bán không ghi cụ thể giá cả và thông tin liên hệ.
Ông Ngô Minh Hiếu khẳng định không rao bán kênh này và cho rằng đó có thể là thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền người dùng. "Tôi không bán kênh TikTok này. Đây hoàn toàn là thông tin giả mạo và lừa đảo, mọi người cần hết sức cảnh giác", ông Hiếu nói.
Mới đây, Cục Đăng kiểm cho biết tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của người dân và các đơn vị đăng kiểm về việc có nhiều cuộc điện thoại mạo danh cán bộ thuộc Bộ GTVT.
Cụ thể, các đối tượng dùng các số điện thoại: 098236xxx, 0916712xxx, 0911312xxx, 0916600xxx… tự xưng là người của Cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm để mời chào và yêu cầu với nội dung như: "Đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm", "Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của thông tư mới hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng có logo Cục Đăng kiểm VN"... Các đối tượng mạo danh còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo. Thậm chí, đối tượng tạo ra trang web giả mạo trông giống như trang web của cơ quan nhà nước, yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả.
Trước tình hình lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc. Luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi và không nhấp vào liên kết trong email từ các nguồn không xác định, chỉ truy cập các trang web chính thức qua liên kết từ các nguồn đáng tin cậy. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các khoản thanh toán nếu không xác minh qua kênh chính thức của cơ quan nhà nước.
Bình luận (0)