Cảnh giác với tiền từ 'trên trời' rơi vào tài khoản

24/12/2021 05:13 GMT+7

Bạn đọc Thanh Niên cảnh báo mọi người cần cẩn trọng khi nhận tiền chuyển đến từ tài khoản ngân hàng mà không rõ lý do, đây có thể là một trò lừa đảo tinh vi.

Như Thanh Niên thông tin, Công an TP.Hà Nội vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới với hình thức giả vờ chuyển nhầm tiền vào tài khoản (TK) rồi gửi yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.

Theo Công an TP.Hà Nội, ngày 12.6, chị A. (ở Q.Ba Đình, Hà Nội) nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào TK ngân hàng với nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản Zalo lạ kết bạn và nói với chị A. rằng công ty tài chính đã giải ngân số tiền của chị và chị trở thành một người vay nợ. Chị A. nhận thấy bản thân không thực hiện bất cứ thủ tục vay nợ nào trên mạng nên đến cơ quan công an trình báo. Thời điểm đó, tài khoản Zalo kia liên tục nhắn tin qua lại. Sau khi biết hành vi lừa đảo không thành, người đó đổi thái độ, nhắn tin cho chị với nội dung hăm dọa.

Khi có tiền chuyển nhầm vào tài khoản, khách hàng chủ động liên hệ ngân hàng để được giải quyết

Ngọc Thắng

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội, thời gian gần đây, cơ quan công an ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong việc chuyển nhầm tiền vào TK. Cụ thể, anh T. (ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng nhận được 2 triệu đồng vào TK. Chưa nhận ra ai gửi thì khoảng 30 phút sau, anh nhận được điện thoại từ một phụ nữ, người này nói đã lỡ chuyển nhầm và mong anh chuyển lại. Người phụ nữ nói đang ở nước ngoài nên nhờ anh đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền các thông tin, anh T. phát hiện mấy chục triệu đồng trong TK của mình đã bị rút sạch.

Không phải tiền của mình thì đừng tơ tưởng

Trước tình trạng tội phạm gia tăng các hoạt động lừa đảo trực tuyến với những thủ đoạn tinh vi, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên nhắc nhau cần hết sức cẩn trọng, đề cao cảnh giác. “Tội phạm ngày càng nghĩ ra nhiều thủ đoạn mới, chính quyền và người dân phải luôn đề cao cảnh giác để tránh sập bẫy...”, BĐ Nhạc lưu ý. Tương tự, BĐ Tran Trung viết: “Lừa đảo bây giờ muôn hình vạn trạng, xuất hiện ở khắp mọi nơi, không từ một thủ đoạn nào, mọi người phải hết sức cẩn thận”.

Trong khi đó, BĐ Trần Minh cho rằng những món tiền “từ trên trời rơi xuống” thì phải đặt ngay nghi vấn, chứ đừng nên tham lam. “Nhiều kẻ xấu lợi dụng lòng tham của người khác để trục lợi, lừa đảo. Vậy nên khi có bất kỳ khoản tiền bất thường nào, chúng ta cần phải rà soát kỹ, thậm chí là trình báo với cơ quan công an nếu cần thiết để không bị kẻ xấu lợi dụng. Nguyên tắc quan trọng nhất là, không phải tiền của mình thì đừng bao giờ tơ tưởng”, BĐ này góp ý.

“Tôi cho rằng bọn này phải có một đường dây tổ chức bài bản. Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này, chúng càng nghĩ ra nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó, mọi người cần phải cảnh giác hơn nữa để không trở thành nạn nhân. Khi có những dấu hiệu bất thường cần báo cho cơ quan chức năng ngay, nhất là vấn đề tiền bạc, tuyệt đối không tham những gì không phải của mình”, BĐ Đức Long góp ý.

Mọi người tuyệt đối không xử lý số tiền chuyển nhầm vào tài khoản mình một cách vội vã

Công an Hà Nội cung cấp

Cần xử lý quyết liệt vấn nạn này

Trước tình trạng tội phạm ngày càng lộng hành, có thể gây hại rất lớn đến cuộc sống người dân, nhất là những người chưa hiểu biết về các chiêu trò lừa đảo này, nhiều BĐ mong cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, truy quét hết bọn bất lương.

“Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý vụ việc, tránh trường hợp nhiều người dân bị lừa đảo, đe dọa. Giai đoạn khó khăn này mà còn lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi thì họ quá ác”, BĐ Tuan Truong ý kiến.

Cùng quan điểm, BĐ Nguyen Tien viết: “Công an đã nhận diện được các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm qua hình thức này thì cần quyết liệt vào cuộc truy xét, ngăn chặn. Hơn hết những người dân gặp trường hợp tương tự cần lập tức báo với công an, đồng thời phối hợp điều tra. Chỉ như vậy mới có thể đưa bọn xấu ra ánh sáng”.

“Ngoài yêu cầu người dân cảnh giác thì lực lượng công an phải có biện pháp ngăn chặn. Cần lập chuyên án, giăng bẫy hốt hết loại tội phạm này. Tôi tin với nghiệp vụ của lực lượng công an, cộng với các dấu vết để lại qua tin nhắn, hoặc thông tin ở TK ngân hàng thì dư sức đưa bọn bất lương này ra xử lý”, BĐ Duong Tra ý kiến.

Người biết suy nghĩ chút sẽ tự hiểu phải làm thế nào với số tiền biết rõ không phải của mình. Cái gì không phải của mình thì đừng nên tham. Lực lượng công an cũng cần vào cuộc truy quét bọn bất lương chuyên nghĩ ra chiêu trò để lừa đảo.

Đỗ Mạnh

Nếu đối tượng cố ý chuyển nhầm để lừa đảo, nhưng mục tiêu không đạt thì phải bị chế tài hay xử lý. Không làm mạnh thì bao giờ mới hết kiểu lừa đảo này!

Tuan Anh

Theo tôi ngân hàng phải có thêm một bước nữa là chủ TK phải xác nhận số tiền chuyển đến thì giao dịch mới được thực hiện thành công để tránh oan cho chủ TK.

Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.