Hiện nay, y học phát hiện ít nhất 5 loại siêu vi chính gây bệnh viêm gan, đặt tên là: A, B, C, D và E. Môi trường hoạt động của các siêu vi này chủ yếu ở gan, gây hoại tử tế bào gan.
Trong 5 loại siêu vi này, siêu vi A và E lây qua đường ăn uống, các loại siêu vi còn lại lây qua 3 đường, đó là: đường máu (tiêm chích chung bơm kim tiêm, truyền máu…); lây từ mẹ mang thai sang con; lây qua đường tình dục không an toàn. Tuy nhiên, có khoảng 2/3 trường hợp không tìm thấy đường lây truyền.
Viêm gan siêu vi A và E gây nhiễm trùng cấp tính, tự khỏi, trong khi viêm gan siêu vi B, C, D lại có thể gây viêm gan cấp, tự giới hạn vừa viêm gan mạn tính với nhiều biến chứng nặng nề.
Dựa vào biểu hiện lâm sàng và biến đổi xét nghiệm, viêm gan siêu vi được chia làm 2 loại: viêm gan siêu vi cấp; viêm gan siêu vi mạn. Dấu hiệu bệnh, đột ngột: mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, nước tiểu vàng sậm tăng dần, kèm theo vàng mắt, vàng da; rối loạn tiêu hóa, nôn ói, chán ăn, đau mạn sườn phải, gan to và đau. Đối với các thể nặng có thể bị rối loạn tri giác, xuất huyết da niêm, gan teo nhỏ…
Để chẩn đoán xác định có phải bệnh viêm gan siêu vi cần phải đến cơ sở y tế làm xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể của từng loại; xét nghiệm định lượng siêu vi trong máu bằng xét nghiệm sinh học phân tử (hiện nay chủ yếu định lượng viêm gan B và C)... Khi người bệnh nghi ngờ viêm gan siêu vi cấp, có các dấu hiệu nặng sau đây cần được nhập viện ngay để theo dõi và điều trị: rối loạn tri giác, chảy máu da niêm, nôn ói nhiều, không ăn uống được, sốt cao, rối loạn nhịp thở...
Để tránh được bệnh viêm gan siêu vi, mọi người nên ăn uống hợp vệ sinh, hạn chế rượu bia, sinh hoạt điều độ, tiêm ngừa siêu vi A và B hiện có. Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa rất có hiệu quả. Đối với trẻ sơ sinh nên tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12 giờ sau sinh. Hiện nay đã có thuốc tiêm ngừa viêm gan siêu vi B cho những người trước và sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Liều lượng và lịch tiêm chủng cụ thể dựa vào loại thuốc có tại các trung tâm y tế dự phòng địa phương.
Bình luận (0)