Hồi tôi còn nhỏ, vào những ngày mưa nắng thất thường đến rồi đi làm nhà cửa, vườn tược ướt át một cách khó chịu, cũng là những ngày mẹ đi chợ về có túi nấm tràm để làm vui nhà vui cửa. “Hôm nay có nấm tràm rồi, bé gọt vỏ cho mẹ nấu canh”. Và thế là tôi ngoan ngoãn làm theo, còn không quên mang thau nước pha muối loãng để ngâm nấm sau khi cắt gốc, cạo lớp vỏ mỏng ở tai. Tôi thích thú nhìn những chú nấm xinh xắn, bụ bẫm căng tròn màu tím sẫm, đầy sức sống, và hết sức đáng yêu. Có lẽ nó luôn hiện hữu trong ký ức những đứa trẻ của vùng quê nghèo, cùng với bao kỷ niệm.
|
Còn nhớ như in, mỗi khi đến mùa nấm tràm thì cũng là lúc rau lang bán đầy ngoài chợ, bởi lẽ nấm tràm khi nấu với rau lang sẽ bùi hơn và át đi phần nào vị đắng. Đó là sự kết hợp vô cùng tuyệt diệu. Mỗi phần nấm chia nhỏ khoảng nửa ký đến một ký, được bán khoảng ba đến năm ngàn đồng, cùng mớ rau lang ngàn rưỡi, hai ngàn là có ngay món canh khoái khẩu. Những tai nấm vừa nụ búp căng, chính là những cây nấm ngon nhất. Để rồi trưa hôm ấy, chạy một vòng quanh xóm mới biết món ăn chính của cả xóm tôi đều là canh nấm tràm rau lang, hay rau lang xào nấm.
Điều thiệt thòi nhất của tôi khi thưởng thức hương vị quê là không chịu nổi cái vị đắng ngắt của nấm tràm. Nhìn ba mẹ và bà ngoại ăn cơm canh một cách ngon lành, tôi rất lấy làm ngưỡng mộ. Trong đầu tôi luôn là câu hỏi không có lời đáp: “Đắng lắm, sao mọi người ăn ngon vậy nhỉ?”. Lần nào cũng vậy, sau khi nồi canh đã cạn đến đáy, tôi vẫn còn thấy được niềm vui hào hứng trong mắt người thân...
Vị đắng của nấm tràm như thử thách sức chịu đựng của vị giác. Nhai kỹ hơn, thấy giòn giòn, bỗng nghe vị thanh thanh, ngọt ngọt, béo béo. Hoặc qua hôm sau, người ăn định thần nhớ lại, cảm giác ngọt ngào ấy vẫn theo về - tươi nguyên!
Bây giờ, bất chợt hỏi một số bạn xa quê: “Nhớ món nấm tràm nấu với rau lang không vậy?”, thì tất cả đều y nguyên một cảm xúc “ Ực ực, ngon ngon, đừng nhắc làm tao thèm, tao nhớ...”.
Lê An
>> Canh nấm mối
>> Say lòng với canh nậm nhooc
Bình luận (0)