Canh nấm mối

29/12/2012 03:00 GMT+7

Khi trời bắt đầu chuyển mùa sang đông, những cơn mưa phùn kéo theo cái lạnh đầu mùa và có lúc những cơn nắng nhẹ hanh hanh xen trong tiết trời lành lạnh thì cũng là lúc dọc theo những cánh rừng, gò đất, bờ bãi ruộng đồng ở miền quê, nấm mối bắt đầu mọc nhiều.

Nấm mối thường mọc từng khoanh trên nền đất, trong bờ rào, trên bờ ruộng hoặc có khi ngay trong vườn nhà. Nấm có nhiều loại, tùy theo từng vùng mà người ta gọi tên cũng khác nhau. Ở miền Trung quê tôi, nấm mối là cách gọi chung, trong đó tùy theo đặc thù từng loại nấm mà có người chia ra nấm mối than, nấm mối lửa và nấm mối mồ côi.

Nếu như nấm mối lửa tai to bằng cái đĩa, nấm mối mồ côi tai nhỏ cỡ bằng tách uống trà và mỗi loại thường chỉ mọc vài cái, thì nấm mối than có số lượng tai nấm mọc nhiều nhất. Người đi làm đồng, chăn bò hay đi tìm nấm nếu như hên gặp được nấm mối than thì rất mừng, có thể nhổ cả rổ to.

Hầu như ai một lần được ăn nấm mối dù bất cứ chế biến món gì cũng đều khoái khẩu. Nấm hái về, rửa sạch một cách cẩn thận vì tai nấm vốn mềm, dễ vỡ rồi có thể chế biến thức ăn theo sở thích của mình.

Còn nhớ, lúc còn ở miền quê xa, những ngày đầu đông bọn trẻ chúng tôi thường ra đồng tìm hái nấm. Thành quả sau mấy giờ đồng hồ đội áo mưa của chúng tôi là mỗi đứa một rổ nấm đầy vun. Nấm đem về, mẹ thường nấu canh. Món cũng đơn giản: rửa nấm sạch, nồi nước bắc lên, khi nào nước sôi bùng thì cho nấm vào đợi chín rồi nêm ít muối, tiêu, ít bột ngọt và dằm thêm trái ớt hiểm, thế là có một nồi canh như ý.

Nấm nấu canh với rau cũng ngon, nhưng nấu kiểu “mộc” sẽ ngon hơn nhiều vì cả phần nước và nấm đều còn nguyên chất. Những hôm nấm nhiều, rảnh rỗi, mẹ ngâm vài lon gạo đi xay ít bột về đúc bánh xèo khiến mấy anh em tôi lại càng mừng hơn. Mùa đông lạnh giá, được ngồi bên bếp lửa, ăn bánh xèo nấm nóng hổi, còn gì bằng...

Tuy An

>> Nấm mối
>> Hoa “3.000 năm mới nở” có thể là nấm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.