Chưa rõ chịu trách nhiệm gì?
Ngày 26.5, tiếp tục kỳ họp 3 Quốc hội XV, Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến thảo luận về luật Cảnh sát cơ động |
gia hân |
Đại biểu Tô Văn Tám (Kong Tum) băn khoăn với quy định cho phép cảnh sát cơ động được mang theo vũ khí, vật liệu nổ lên máy bay dân sự khi khi bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đại biểu Tám, cần giải thích hàng đặc biệt là hàng gì; đồng thời dự thảo luật cũng chưa quy định chủ thể nào sẽ giải thích thế nào là hàng đặc biệt. “Phải giải thích để tránh sự lạm dụng ở đây”, đại biểu Tám nói.
Đối với trường hợp áp giải bị can, bị cáo, đại biểu Tám cho rằng, khi áp giải các đối tượng này thì thường đã có những biện pháp chuẩn bị rất tốt, có thể là còng tay, thậm chí còng chân.
“Trong trường hợp này có cần thiết phải mang theo vũ khí hay không?”, đại biểu Tám nêu câu hỏi.
Đối với quy định “khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức thì người chỉ huy có quyền ra lệnh nổ súng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”, đại biểu Tám cho rằng chưa rõ người chỉ huy lực lượng cảnh sát cơ động khi ra quyết định nổ súng sẽ chịu trách nhiệm trước chủ thể nào.
“Đề nghị bổ sung quy định theo hướng khi ra lệnh nổ súng như vậy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cấp trên. Nếu chúng ta chỉ quy định chịu trách nhiệm như thế thì chưa rõ là chịu trách nhiệm gì”, đại biểu Kon Tum nêu.
Cảnh sát cơ động có thể vào trụ sở, nhà ở chỉ để... thăm hỏi
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì băn khoăn với quy định cho phép cảnh sát cơ động vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) |
gia hân |
Ông Thắng phân tích: Theo từ điển tiếng Việt từ "vào" rất đa nghĩa, trong ngữ cảnh của luật thì hiểu là một động từ với nghĩa là di chuyển vào phía trong. Tuy nhiên, khi thiết kế điều luật này thì không chỉ rõ chủ thể của hành động này là ai, nghĩa là ai vào.
Bên cạnh đó, điều luật cũng không thể hiện nội dung, mục đích của hành động vào để làm gì mà chỉ nói chung chung rằng ai đó vào trụ sở cơ quan, nhà ở cá nhân thì phải tuân thủ theo pháp luật này, quy định nọ, rất chung chung và mơ hồ.
“Ví dụ như trong trường hợp cảnh sát cơ động vào nơi trụ sở, cơ quan, nhà ở của cá nhân để thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính bình thường như vào để thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng, liên hệ công tác, gửi tài liệu, giấy mời mà cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố, quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên thì rõ ràng không phù hợp”, đại biểu Thắng nói và đề nghị dự thảo luật cần phải quy định rõ chủ thể hành động cũng như mục đích của hành động vào trụ sở, cơ quan, nhà ở của cá nhân.
Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là trang bị tàu bay, tàu thuyền cho lực lượng cảnh sát cơ động. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, cần phải quan tâm loại tàu bay, tàu thuyền nào được trang bị cho cảnh sát cơ động để sau này trong quá trình tổ chức thực hiện tránh trường hợp chồng lấn các phương tiện bay khác.
Theo đại biểu Thắng, mặc dù giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, sẽ giao Chính phủ quy định loại trang bị máy bay cụ thể. Song, theo đại biểu cần phải xây dựng khung khuôn khổ pháp luật để xác định những nguyên tắc cơ bản, khuôn khổ có tính pháp lý cho việc trang bị phương tiện tàu bay cho cảnh sát cơ động, bảo đảm rằng tàu bay trang bị cho cảnh sát cơ động đảm bảo phục vụ đúng cho mục đích, hoạt động có tính nghiệp vụ riêng biệt của cảnh sát cơ động sử dụng một cách có hiệu quả, tránh những lãng phí, không làm phát sinh sự chồng chéo, xung đột với các phương tiện bay khác.
Trong khi đó, đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) việc đưa quy định trang bị tàu bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động là “rất bình thường”.
Đại biểu Cường nói bây giờ chuyện sử dụng máy bay, tàu ngầm là chuyện bình thường của thế giới. Các lực lượng, cảnh sát, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư ở Nhật, ở Mỹ và ngay cảnh sát hoàng gia Thái Lan, Campuchia sử dụng rất nhiều phương tiện này.
“Chẳng nhẽ Việt Nam chúng ta lại đi sau họ?”, đại biểu Cường lập luận.
Bình luận (0)