Tranh luận việc trang bị máy bay cho cảnh sát cơ động

Thái Sơn
Thái Sơn
27/10/2021 06:25 GMT+7

Ngày 26.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến cho ý kiến về dự thảo luật Cảnh sát cơ động. Hầu hết đại biểu đều tán thành sự cần thiết của luật và thống nhất về nội dung, song vẫn còn một số quy định gây tranh luận.

Có nhất thiết phải trang bị?

Nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập là việc trang bị máy bay, tàu thuyền cho lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) thực thi nhiệm vụ tại khoản 2 điều 21 của dự thảo.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đề nghị CSCĐ sử dụng chung phương tiện với các lực lượng khác để tiết kiệm ngân sách

TTXVN

Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), đây là một chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể và cân nhắc cẩn trọng bởi lực lượng CSCĐ sử dụng các loại phương tiện này không nhiều và không thường xuyên. Chưa kể việc trang bị máy bay cho CSCĐ còn phát sinh thêm về quản lý bay.

“Tôi được biết, việc trang bị loại phương tiện này chắc chắn sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn và nó cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm”, ĐB Thắng nói và đặt vấn đề có nhất thiết phải trang bị riêng phương tiện tàu bay, tàu thủy cho CSCĐ mới thực hiện được nhiệm vụ không, trong khi đã có sẵn các phương tiện từ các lực lượng khác để sử dụng khi cần thiết.

Cũng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thẳng thắn cho rằng quy định tại dự thảo luật “là không hợp lý” khi lực lượng Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển, tại sao không phối hợp sử dụng. “Tôi nghĩ rằng quân đội sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, lực lượng CSCĐ khi cần thiết để thực hiện nhiệm vụ”. Đề cập nội dung của một ĐB trước đó về việc Bộ Công an đã thành lập Trung đoàn Không quân của CSCĐ và không thể đi mượn máy bay của lực lượng khác, ĐB Hòa cho rằng đây là câu chuyện “cái cày đi trước con trâu”, cần phải xem lại.

Ngay sau đó, ĐB Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) xin tranh luận lại, cho rằng quan điểm của ĐB Phạm Văn Hòa không phù hợp ở chỗ nhiệm vụ chính của CSCĐ là bảo đảm an ninh, trật tự, bạo loạn, khủng bố. “Nếu chúng ta sử dụng máy bay của quân đội để tham gia trong các vụ việc này thì nó không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an, đặc biệt là CSCĐ”, ĐB Sỹ nói và đề nghị giữ nguyên như trong dự thảo.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng không nên tiết kiệm với an ninh quốc gia

GIA HÂN

Tranh luận với ĐB Hòa và ĐB Thắng, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) chia sẻ quan điểm đất nước khó khăn cần phải tiết kiệm, song không nên tiết kiệm đối với CSCĐ, là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của Bộ Công an. “Nếu họ ngăn chặn được những vụ khủng bố, bạo loạn, đảm bảo trật tự an ninh quốc gia thì không thể đo đếm được bằng tiền”, “nếu tiết kiệm xảy ra chuyện gì thì chúng ta sẽ rất ân hận”, ĐB này nói và lưu ý thế giới đang phát triển rất nhanh, nếu không phản ứng kịp thời thì không theo kịp tình hình.

Tranh luận lại, ĐB Hoàng Đức Thắng khẳng định việc CSCĐ được trang bị và sử dụng phương tiện hiện đại là hai câu chuyện khác nhau. Ông ủng hộ việc CSCĐ sử dụng các phương tiện máy bay, tàu thủy trong một số tình huống đặc biệt, tuy nhiên việc mua sắm trang bị là cần xem xét. Bởi CSCĐ có thể phối hợp với các lực lượng khác sử dụng phương tiện mà không nhất thiết phải mua sắm trang bị riêng. Từ đó, ĐB tiếp tục đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ và có thể lấy ý kiến của ĐB Quốc hội đối với vấn đề này.

Rà soát tránh chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của CSCĐ để tránh tình trạng lạm dụng thẩm quyền cũng như chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan, lực lượng khác gây xung đột trong hệ thống pháp luật.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), dự thảo luật trao quyền cho CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó trong trường hợp cấp bách, trừ phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao. “Quy định như dự thảo thì trong trường hợp cấp bách, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được quyền huy động cả người, phương tiện, thiết bị của quân đội”, và như vậy chưa bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ, chưa thống nhất với các luật khác, dễ dẫn đến lạm quyền và không khả thi khi thực hiện, theo bà Kim Thúy.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiện CSCĐ được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao… trên toàn quốc. Lực lượng này còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện quan trọng của đất nước nhưng quy định pháp luật chưa đầy đủ.

Ông Tô Lâm lấy ví dụ trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện bay không người lái để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao. Do vậy, dự thảo luật cần phải quy định rõ về quyền hạn, nhiệm vụ cho CSCĐ.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết trên cơ sở ý kiến của các ĐB, sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.