Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 3: Làm dâu trăm họ

15/02/2014 03:00 GMT+7

Lực lượng cảnh sát khu vực phải tiếp xúc với dân hằng ngày. Có khi họ là “ông thổ địa” tối quan trọng dẫn lối cho đồng đội phá án nhưng có lúc họ chỉ là chân “đánh án vặt”. Thường thì, việc nhiều, tiếng ít.

Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 3: Làm dâu trăm họ

Về với dân là mệnh lệnh đối với lực lượng CSKV - Ảnh: Nguyễn Phúc 

Chính vậy nên khi nghe phóng viên trình bày ý tưởng về việc viết về cảnh sát khu vực (CSKV), thiếu tá Lê Phi Hùng, Trưởng công an TP.Đông Hà (Quảng Trị) chững lại một hồi và nói đầy ẩn ý: “Muốn biết anh em CSKV ra sao, hỏi vợ của họ là tường ngay...”.

Khi cảnh sát... đỏ mặt

TP.Đông Hà hiện có 63 CSKV, đây là con số hết sức ít ỏi. Ví như tại P.Đông Lương, có 8 khu phố và 11.000 dân mà chỉ vỏn vẹn 5 CSKV. Họ có nhiều câu chuyện hễ kể ra nhiều khi cười chảy cả nước mắt.  Nhưng cái hạn chế của nhiều CSKV là làm thì nhiều nhưng nói thì không... có khiếu. Nhiều anh về địa bàn thì thoăn thoắt, tháo vát, đụng việc gì cũng giải quyết đẹp. Tóm gáy không biết bao cháu choai choai hở ra là đánh nhau, trộm vặt; hòa giải mối xung khắc trong nhiều gia đình. Nhưng khi người viết yêu cầu kể lại câu chuyện thì cứ đỏ mặt, gãi đầu bứt tai ngượng nghịu. Ví như đại úy Hồ Chí Cường, Phó trưởng Công an P.Đông Lương kiêm phụ trách lực lượng CSKV của đơn vị này, dù có thâm niên hơn 4 năm làm CSKV cũng “líu lưỡi”: “Chuyện thì nhiều nhưng... để tôi nghĩ đã”.

Ngẫm một hồi lâu, đại úy Cường mới vào đề bằng việc tự nhận cái nghề của mình là “làm dâu trăm họ”. Anh bảo: “Mỗi khu phố, mỗi địa bàn đều có đặc thù dân cư khác nhau. Đứng trước một người dân là cán bộ, anh không thể lôi ngôn ngữ chợ đò ra để nói. Ngược lại, nếu cậy học vấn mà nói chữ nghĩa với dân buôn thúng bán mẹt thì có khi bị người ta chửi cho. Chính vậy nên khi xuống với dân phải mềm, anh nào mà loạng quạng là chết với dân”.

Và dường như, không chỉ khi phải nói về mình mấy anh CSKV mới... đỏ mặt mà nhiều lúc trong quá trình làm việc, chính họ rơi vào những hoàn cảnh khó đỡ, ngượng chín người. Một CSKV trẻ kể chuyện khá hy hữu rằng, đêm nọ, anh nhận được điện thoại của một người dân báo tin, con chó cái của gia đình họ... đẻ khó, đề nghị trợ giúp. Hơi “đơ” nhưng cuối cùng vị CSKV này cũng phải chạy đến “hiện trường”.

Hay chuyện, tình trạng một số CSKV hồi hộp lo không đủ tiền để có thể đi mừng đám cưới, đám tân gia của dân. “Quản lý cả mấy trăm hộ, ai cũng quen mặt. Các việc hiếu hỉ dân đều mời, chả nhẽ không đi. Có tháng chỉ riêng các khoản này đã hết nhẵn tiền lương”, thiếu tá Phạm Thị Hồng Thái, phụ trách lực lượng CSKV tại P.5 (TP.Đông Hà) kể về chuyện “tế nhị”.

“Án vặt” mỗi ngày

 

Thiếu nhưng không yếu

Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Lê Phi Hùng, Trưởng công an TP.Đông Hà, cho rằng dù lực lượng CSKV trên địa bàn đang thiếu nhưng thực tế cho thấy họ không hề yếu, không hề kém cỏi. “Suốt nhiều năm liền lực lượng CSKV đã có nhiều thành tích, nhận nhiều bằng khen của công an TP và công an tỉnh. Cũng có không ít CSKV đặc biệt xuất sắc, để lại ấn tượng trong lòng người dân”, thiếu tá Hùng tự hào nói. 

N.P

Nói theo sách vở thì trách nhiệm của CSKV gồm: nắm tình hình, quản lý hộ khẩu, quản lý đối tượng; phát động các phong trào trong quần chúng nhân dân và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn... Nhưng thực tế lại hơi khác.

Cái khổ của CSKV là dù việc nhiều nhưng mỗi vụ việc lại be bé, chẳng việc nào giống việc nào. Mà cái lẽ ở đời, thà làm một việc cho thật hoành tráng chứ cứ lượm lặt từng việc nhỏ thì có ai nhớ cho đâu.

Đừng làm lạ vì: “Trộm gà trộm chó dân cũng điện báo. Mấy tên choai choai hỉ mũi chưa sạch đánh nhau cũng điện báo. Thậm chí, nghe nhà hàng xóm lục đục, dân cũng bốc điện thoại gọi cho chúng tôi. Mà thà dân không gọi, chứ đã gọi là chúng tôi không thể không đi”, đại úy Cường chia sẻ.

Chưa hết, tùy vào hoàn cảnh, có lúc CSKV còn phải tham gia bảo vệ giao thông, kiểm tra hộ khẩu, phòng chống lụt bão... nhưng về cơ bản, CSKV không mấy khi được ở trong trụ sở.

Một chọi mười, “tâm sự” với con nghiện

Dù là lực lượng hành pháp ở cấp thấp nhưng không có nghĩa trong quá trình hoạt động lực lượng CSKV không đối diện với hiểm nguy. Thậm chí, nguy cơ nhận đòn hiểm của những đối tượng giang hồ cao hơn các lực lượng khác vì thường xuyên về với dân.

Vì vậy hơn 4 năm làm CSKV, đại úy Cường vẫn không quên một buổi chiều cuối năm 2012, khi đang về địa bàn, anh phát hiện 2 nhóm thanh niên đang dùng cây cơ đánh bi da lao vào tấn công nhau dữ dội. “Dù chỉ có một mình nhưng vì đã khoác trên mình bộ cảnh phục tôi cũng “liều” lao tới. Phần vì tôi nhận diện ra được một vài đứa nên hét lớn tên của nó, phần vì 2 nhóm này chưa có men rượu trong người nên bỏ chạy tán loạn. Bằng không chắc chuyến đó tôi cũng nhừ tử”, đại úy Cường vuốt mồ hôi kể.

Lần khác, đại úy Cường lại phải một mình vào “tâm sự” với một con nghiện đang lăm lăm con dao trên tay trong một ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo. “Thằng đó nhà khá giả, hút chích hết tiền lại về nhà quậy phá, dọa đâm, dọa giết làm cả gia đình chạy trốn. Nó ra điều kiện chỉ cho một mình tôi vào nhà và phải tắt điện thoại thì nó mới “tâm sự”. Về sau, tên này đã được đi trại cai nghiện chứ tôi cũng ớn kiểu “tâm sự” đó lắm”, đại úy Cường cười mếu.

Một số cảnh sát trẻ vừa ra trường được phân công làm CSKV, thời gian đầu đã tỏ ra khá lạ lẫm vì thực tế công việc khác xa với những gì được học, thậm chí trên phim ảnh. Nhưng rồi ai cũng nhận ra rằng, từ những câu chuyện tưởng như tiếu lâm ấy nhưng nếu như không có sự can thiệp kịp thời, sẽ thành chuyện lớn.

Nguyễn Phúc

>> Cảnh sát khu vực kể chuyện: ‘Quan tòa’ khu phố
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 2: Phá 'án vặt' không dễ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.